Nga sẽ cắt giảm kế hoạch vay nợ năm 2021 nhiều hơn dự kiến và sẽ chỉ cung cấp trái phiếu Nga (OFZ) mới từ ngày 14/6, ngày mà sau đó các ngân hàng Mỹ sẽ bị cấm mua trái phiếu chính phủ bằng đồng ruble trực tiếp từ Nga.
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đồng ruble và trái phiếu chính phủ. Song, các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ không có tác động tiêu cực đáng kể đến ngân sách và thị trường Nga trong dài hạn.
Sau các lệnh trừng phạt, Bộ Tài chính Nga thông báo quyết định cắt giảm 875 tỷ ruble (11,45 tỷ USD) trong kế hoạch vay nợ năm 2021 so với kế hoạch trước đó là cắt giảm 700 tỷ ruble trong kế hoạch vay nợ. Ban đầu, Nga có kế hoạch vay 3.700 tỷ ruble bằng trái phiếu OFZ vào năm 2021.
Ngày 15/4, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của nước này. Lý do được đưa ra là đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc Nga can thiếp vào bầu cử Mỹ và tấn công mạng quy mô lớn.
[Nền kinh tế Nga muốn tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào đồng USD]
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị mở rộng các biện pháp hạn chế hiện có với các ngân hàng Mỹ giao dịch với Chính phủ Nga, trục xuất 10 nhà ngoại giao và trừng phạt 32 cá nhân với cáo buộc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Phản ứng về lênh trừng phạt của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết các lệnh trừng phạt mới đồng nghĩa với việc các ngân hàng Mỹ sẽ bỏ lỡ cơ hội, đồng thời dự kiến nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ của Nga vẫn ở mức cao.
Theo Bộ trưởng Siluanov, Nga sẽ nghiên cứu kỹ các điều kiện thị trường khi quyết định có cung cấp OFZ trong những tuần tới hay không.
Để tránh rủi ro bị nhà đầu tư nước ngoài ép bán trái phiếu, Bộ Tài chính Nga cho biết họ sẽ chỉ cung cấp loạt OFZ mới sau ngày 14/6. Thị phần của các ngân hàng nước ngoài, quỹ hưu trí và các nhà quản lý tài sản quốc tế trong số những người nắm giữ trái phiếu OFZ đã giảm trong nhiều tháng qua.
Vào cuối tháng Ba, thị phần của người nước ngoài trong số những người nắm giữ OFZ giảm xuống 20,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2015. Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh của Nga như Sberbank và VTB đã đảm bảo sẽ thay thế các nhà đầu tư nước ngoài nếu cần và giúp Bộ Tài chính sử dụng trái phiếu OFZ để bù đắp ngân sách.
Theo thống kê, các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ khoảng 7% OFZ, với giá trị chưa đến 1.000 tỷ ruble, thấp hơn so với lượng OFZ trị giá hơn 4.000 tỷ ruble do Sberbank và VTB nắm giữ./.