Nga ra mắt nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov được xây dựng trên con tàu dài 144m, cao 30m, nặng 21.000 tấn và con tàu này chứa hai lò phản ứng có công suất 35 megawatt mỗi lò.
Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov. (Nguồn: Rosatom)

Ngày 19/5, Nga đã công bố nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới, mang tên Akademik Lomonosov, tại cảng biển thuộc thành phố Murmansk, miền Bắc nước này.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov, thuộc sở hữu của tập đoàn điện nhà nước Rosatom, được đóng, xây dựng tại Saint Petersburg. Nhà máy này đã được lai dắt đến Murmansk hôm 17/5.

Nhà máy điện hạt nhân được xây dựng trên con tàu dài 144m, cao 30m, nặng 21.000 tấn. Con tàu này chứa hai lò phản ứng có công suất 35 megawatt mỗi lò. Nhà máy này sẽ được nạp đầy nhiên liệu hạt nhân tại Murmansk trước khi di chuyển đến Siberia.

Dự kiến, vào mùa Hè năm 2019, nhà máy sẽ được lai dắt tới cảng Pevek, thuộc vùng tự trị Chukotka, Đông Nam Nga, cách Vòng Bắc cực 350km về phía Bắc, để hoạt động tại đây.

[Nga tiến hành các cuộc thử nghiệm nhà máy điện hạt nhân nổi]

Theo giới chức Nga, nhà máy điện hạt nhân này có thể sản xuất lượng điện đủ cung cấp cho một thị trấn gồm 200.000 dân, gấp 40 lần so với dân số hiện nay ở Pevek là khoảng 5.000 người.

Các chuyên gia giám sát việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi tại tập đoàn Rosatom cho biết, mỗi nhà máy điện kiểu này không chỉ cung cấp điện và sưởi ấm cho người dân ở các khu vực hẻo lánh của đất nước mà còn hỗ trợ tăng trưởng và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các nhà máy điện hạt nhân nổi còn làm giảm 50.000 tấn carbon dioxide (CO2) phát thải mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục