Nga phóng tên lửa Soyuz mang theo 34 vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất

Với việc thêm 34 vệ tinh vừa được phóng, OneWeb hiện có tổng số 288 vệ tinh trong không gian, tất cả đều do hãng Arianespace phóng lên trong 9 sứ mệnh khác nhau.
Rên lửa Soyuz của Nga mang theo các vệ tinh rời bệ phóng ở sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan ngày 22/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Rên lửa Soyuz của Nga mang theo các vệ tinh rời bệ phóng ở sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan ngày 22/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/8, một tên lửa Soyuz của Nga đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, đưa 34 vệ tinh Internet của hãng OneWeb lên quỹ đạo.

Vụ phóng do hãng Arianespace của châu Âu tiến hành sau 2 ngày bị hoãn và đây là vụ phóng thứ 5 các vệ tinh của hãng OneWeb trong năm nay, trong đó gần đây nhất là vụ phóng diễn ra ngày 1/7.

Tất cả 34 vệ tinh, nặng 5.518kg, dự kiến tách khỏi tên lửa Soyuz sau khoảng 3 giờ 45 phút kể từ khi rời bệ phóng.

Các vệ tinh sẽ triển khai vào quỹ đạo gần cực ở độ cao 450km sau đó nâng dần lên quỹ đạo hoạt động cách Trái đất 1.200km.

[Nga phóng thành công chùm 36 vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo Trái Đất]

Với việc thêm 34 vệ tinh vừa được phóng, OneWeb hiện có tổng số 288 vệ tinh trong không gian, tất cả đều do hãng Arianespace phóng lên trong 9 sứ mệnh khác nhau.

Và chưa dừng lại ở đó, công ty OneWeb có trụ sở tại London dự định sẽ vận hành khoảng 650 vệ tinh băng thông rộng trong quỹ đạo thấp của Trái đất.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, OneWeb sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vào cuối năm 2021 cho một số khu vực phía bắc của Trái Đất, bao gồm Bắc Âu, Canada, Alaska, Greenland, Iceland và vùng Bắc Cực.

OneWeb không phải là công ty duy nhất hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh Internet vệ tinh. Đối thủ của OneWeb là SpaceX đã phóng hơn 1.700 vệ tinh băng thông rộng Starlink và đang trong giai đoạn thử nghiệm dịch vụ.

Trong khi đó, Amazon có kế hoạch phóng khoảng 3.200 vệ tinh băng thông rộng Project Kuiper dù chưa có vệ tinh nào được phóng lên quỹ đạo.

Hãng Arianespace đã hợp tác với Nga gần 2 thập kỷ qua và hiện có hợp đồng phóng 16 tên lửa Soyuz từ tháng 12/2020 đến cuối năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục