Nga phản ứng trước kêu gọi cấm vận động viên Nga, Belarus dự Olympic

Bộ trưởng Thể thao Nga tuyên bố lời kêu gọi của các bộ trưởng của hơn 30 nước yêu cầu cấm các vận động viên Nga và Belarus tham dự Thế vận hội mùa Hè (Olympic) 2024 là không thể chấp nhận được.
Ảnh minh họa. (Nguồn: news.cgtn.com)

Theo hãng tin TASS, ngày 11/2, Bộ trưởng Thể thao Nga Oleg Matytsin tuyên bố lời kêu gọi của các bộ trưởng của hơn 30 nước yêu cầu cấm các vận động viên Nga và Belarus tham dự Thế vận hội mùa Hè (Olympic) 2024 là không thể chấp nhận được.

Bộ trưởng Thể thao Litva, Jurgita Siugzdiniene ngày 10/2 thông báo một nhóm 35 quốc gia, trong đó có Mỹ, Đức và Australia, đã yêu cầu cấm các vận động viên Nga và Belarus tham dự Thế vận hội 2024 tại Paris (Pháp).

Động thái này làm gia tăng sức ép đối với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), trong bối cảnh tổ chức này cho rằng sẽ là phân biệt đối xử nếu cấm các vận động viên chỉ dựa trên quốc tịch của họ. IOC muốn để những vận động viên Nga và Belarus thi đấu với tư cách là “vận động viên trung lập."

Trước đó, Ba Lan đã đề xuất xếp các vận động viên Nga và Belarus phản đối chiến tranh tại Ukraine vào đoàn thể thao "Người tị nạn tại Olympic 2024." Một số quốc gia cũng dọa tẩy chay Olympic Paris 2024 nếu IOC cho phép các vận động viên Nga và Belarus tham gia thi đấu.

[Mỹ ủng hộ việc cho phép vận động viên Nga và Belarus dự Olympic 2024]

Về phía Pháp, trong chuyến thăm thủ đô Kiev hôm 9/2, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, đại diện cho thành phố đăng cai Thế vận hội trong Ban tổ chức Olympic 2024, khẳng định không mong muốn vận động viên Nga và Belarus tham gia thi đấu, kể cả dưới lá cờ trung lập, chừng nào cuộc xung đột tại Ukraine chưa kết thúc.

Bộ trưởng Thể thao Nga Matytsin cho rằng: "Đây là sự can thiệp trực tiếp của các bộ trưởng vào hoạt động của các tổ chức thể thao độc lập, một âm mưu đưa ra các điều kiện để các vận động viên tham gia các cuộc thi quốc tế và điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được."

Cũng theo ông Matytsin, điều này phá hủy sự thống nhất của thể thao quốc tế và Phong trào Olympic quốc tế, biến thể thao thành phương tiện gây áp lực để giải quyết các vấn đề chính trị.

Trước đó, đại diện phía các liên đoàn thể thao ở Nga cũng kêu gọi IOC hãy rạch ròi theo đúng phương châm thể thao không bị tác động và chi phối bởi chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục