Theo hãng thông tấn TASS, ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nhấn mạnh nước này vẫn giữ lập trường kiên định rằng nếu không có tiến triển trong việc giải quyết 5 vấn đề mang tính hệ thống, sẽ không thể đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau ngày 18/5.
Tuyên bố nêu rõ Nga tái khẳng định lập trường không tiến hành cuộc thảo luận nào về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sau ngày 18/5 tới nếu không có bất kỳ tiến triển nào liên quan 5 vấn đề mang tính hệ thống gồm tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT; nối lại nguồn cung máy móc nông nghiệp, phụ tùng thay thế và các dịch vụ bảo trì; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm đi đôi với bãi bỏ lệnh cấm tiếp cận các cảng biển; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn khí amoniac Tolyatti-Odessa; và gỡ bỏ phong tỏa các tài sản cũng như tài khoản ở nước ngoài của các công ty Nga liên quan đến sản xuất, vận chuyển thực phẩm và phân bón.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng thông cáo báo chí của Ban Thư ký Liên hợp quốc về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen liên quan việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Ukraine "không phản ánh đúng sự thật."
Trên thực tế, lượng giao hàng nhân đạo của Chương trình Lương thực Thế giới (543.928 tấn) không tương xứng so với tổng khối lượng xuất khẩu lương thực (27,7 triệu tấn) đã được triển khai trong khuôn khổ của thỏa thuận.
Theo bộ này, việc Kiev tiếp tục ngăn chặn các nguồn cung cấp amoniac, như nội dung khuyến nghị trong các thỏa thuận, cũng như việc không đạt được bất kỳ tiến triển nào trong thực hiện Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên hợp quốc đã khiến Ban thư ký Liên hợp quốc phải đưa ra phản ứng công khai.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga phản ánh hiện có 28 tàu chở tổng cộng hơn 1 triệu tấn thực phẩm trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đang chờ kiểm tra tại lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nhân viên Liên hợp quốc tại Trung tâm Điều phối Chung (JCC), cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, đã từ chối lên lịch kiểm tra các tàu này, thay vào đó là hỗ trợ đề nghị kiểm tra các tàu của Ukraine.
[Nga nhấn mạnh điều kiện để gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen]
Vào cuối tháng 3 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tuyên bố Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chỉ được thực hiện toàn diện nếu như các lập trường của Moskva được cân nhắc, theo đó nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho châu Phi.
Trước đó, Moskva cho biết đã đồng ý gia hạn thỏa thuận lần thứ hai, nhưng chỉ thêm 60 ngày (tới 18/5) do vẫn còn khúc mắc liên quan tính toàn diện của thỏa thuận này.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ ngừng tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nếu không đạt được tiến triển trong bản ghi nhớ giữa Nga và Liên hợp quốc trong đó lưu ý đến bối cảnh thực hiện bản ghi nhớ trên.
Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Nga và Liên hợp quốc có nội dung về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga với thời hạn 3 năm.
Hồi tháng 7/2022, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đã ký riêng rẽ các thỏa thuận với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine, được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Thỏa thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mỳ và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga-Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả.
Trước khi cuộc xung độ nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen.
Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày, sau đó được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11/2022.
Theo quy định, tất cả các tàu chở ngũ cốc xuất khẩu theo sáng kiến này đều phải chịu sự kiểm tra của giới chức từ cả bốn bên, trước và sau khi đến Ukraine.
Việc kiểm tra diễn ra bên trong lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ và do các thành viên của Trung tâm Điều phối Chung (JCC) thực hiện.
Tuy nhiên, trong ngày 11/4 vừa qua, đã không có tàu chở ngũ cốc nào được tiến hành kiểm tra trước khi tới Ukraine, do các bên cần thêm thời gian để đi tới nhất trí về danh sách các tàu cần ưu tiên hoạt động./.