Nga - Mỹ và cuộc chiến "không tuyên bố" sau lệnh trừng phạt mới

Bộ Ngoại giao Nga gọi kế hoạch của Nhà Trắng áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga “sự thông đồng giữa Mỹ với Anh,” đồng thời thề sẽ đáp trả tương xứng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đài Sputnik, ngày 10/8, trong cuộc gặp gỡ với các nhân viên khu bảo tồn quốc gia Kronotsky, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng việc Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga giống như một lời tuyên chiến về thương mại, và "cần phải đáp trả cuộc chiến này bằng các biện pháp kinh tế, chính trị và nhiều biện pháp khác. Những người bạn Mỹ cần phải hiểu điều đó.”

Ông nhấn mạnh: "Việc các đối tác phương Tây thường xuyên đưa ra lập luận rằng người Nga tồi, thực hiện chính sách sai trái, rằng Chính phủ Nga nên thay đổi quan điểm trong một số vấn đề... chủ yếu là để hạn chế sức mạnh kinh tế của chúng ta.”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Sputnik, Tiến sỹ Khoa học Chính trị kiêm Giáo sư của trường Đại học Thái Bình Dương Ildus Yarulin lưu ý rằng sẽ không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến như vậy.

Ông nói: “Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt (của Mỹ) sẽ khiến Nga thiệt hại. Các biện pháp trừng phạt này tuy không phải là một mối đe dọa quá nghiêm trọng, nhưng có thể sẽ khiến Nga chậm lại trong quá trình xử lý một số vấn đề liên quan đến kinh tế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Nga, nhất là khi Mỹ áp dụng phần thứ hai của các biện pháp trừng phạt liên quan đến hoạt động của cấu trúc tài chính.

Tất nhiên, Nga đã sẵn sàng cho điều này. Không phải tự nhiên mà chính phủ Nga rút ngân khoản đã được đầu tư vào chứng khoán Mỹ. Tôi nghĩ rằng Liên minh châu Âu (EU) cũng tham gia các biện pháp trừng phạt đó. Bởi thế, sẽ có một cuộc chiến tranh 'không tuyên bố.'

Tuy nhiên, bất kỳ tình huống chiến tranh nào cũng đều không có lợi cho cả hai bên - không ai giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Mặt khác, cuộc chiến này không chỉ tác động đến Nga mà còn ảnh hưởng tới nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc. Ở đây, cần xem BRICS đã sẵn sàng đến đâu để chịu đựng những biện pháp trừng phạt."

Ngày 8/8, Washington tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga do nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Salisbury (Anh) để đầu độc cha con cựu điệp viên 2 mang người Nga Sergei Skripal.

[Căng thẳng Đông-Tây có thể giúp ích cho Tổng thống Putin?]

Các biện pháp đầu tiên, sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8, cấm hoàn toàn việc xuất khẩu sang Nga các thiết bị điện tử và linh kiện lưỡng dụng, và gói biện pháp trừng phạt thứ hai có thể được đưa ra 90 ngày sau, bao gồm giảm mức độ quan hệ ngoại giao, cấm Aeroflot bay sang Mỹ và gần như chấm dứt hoàn toàn hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Nga có thể tránh được gói biện pháp trừng phạt thứ hai nếu cam kết không sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai.

Bộ Ngoại giao Nga gọi kế hoạch của Nhà Trắng áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga “sự thông đồng giữa Mỹ với Anh,” đồng thời thề sẽ đáp trả tương xứng.

Cũng trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Sputnik, Giáo sư-Tiến sĩ Ildus Yarulin cho rằng bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, Mỹ không chỉ nghĩ về vấn đề kinh tế mà còn toan tính những ý đồ chính trị liên quan đến nội bộ nước Mỹ.

Ông nhấn mạnh: “Ở đây trước hết là cuộc đấu tranh chính trị ở Mỹ. Tư tưởng chống Nga đã được truyền bá rộng tới mức bây giờ người ta đang lợi dụng điều đó, ầm ĩ tuyên bố về các biện pháp trừng phạt Nga. Các cuộc bầu cử sơ bộ đang diễn ra ở cấp tiểu bang cho thấy đảng Cộng hòa chưa thể vui mừng được. Cũng khó có thể nói rằng phe đối lập (đảng Dân chủ) sẽ có những vị trí vững chắc trong Thượng viện và Quốc hội. Và thật không may, lá bài chống Nga đang được chia cho tất cả mọi người”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục