Nga: Mỹ cản trở công cuộc giải phóng Syria khỏi khủng bố

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Mỹ đến Syria chỉ nhằm cản trở việc giải phóng các khu vực bị khủng bố của nước Cộng hòa Arab này.
Đoàn xe quân sự Mỹ được triển khai tại thành phố Manbij, Syria, ngày 30/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo đài Sputnik, ngày 23/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Mỹ đến Syria chỉ nhằm cản trở việc giải phóng các khu vực bị khủng bố của nước Cộng hòa Arab này.

Trả lời phỏng vấn International Affairs, ông Ryabkov nêu rõ: "Tôi sẽ rất vui nếu Mỹ rút các lực lượng quân sự khỏi Syria. Họ hiện diện ở đó một cách bất hợp pháp mà không có lời đề nghị từ phía chính quyền Damascus, và tất nhiên cũng không có quyết định nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong vấn đề này. Họ đến đó chỉ khiến cho công cuộc giải phóng Syria khỏi chủ nghĩa khủng bố trở nên khó khăn hơn."

Cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, tình hình ở tỉnh Idlib của Syria, nơi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng thiết lập một vùng giảm leo thang, đang xuống dốc nhanh chóng.

Theo bà Zakharova, lãnh thổ này hiện nay nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của phiến quân Nusra. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Các hành động khiêu khích tiếp diễn gây ra mối đe dọa cho dân thường, quân nhân Syria cũng như căn cứ không quân Khmeymim của Nga."

[Mỹ chưa có kế hoạch cụ thể về Syria sau tuyên bố rút quân]

Kể từ ngày 21/1, gần 5.000 người, trong đó có khoảng 500 tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã rời khỏi thành trì cuối cùng của nhóm này ở miền Đông Syria, trong bối cảnh tổ chức cực đoan này liên tiếp thất bại trước các cuộc tấn công của các lực lượng do người Kurd đứng đầu.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), đã có khoảng 4.900 người, đa số là phụ nữ và trẻ em, lên xe tải rời khỏi khu vực nằm dưới quyền kiểm soát cuối cùng của nhóm IS tại tỉnh Deir Ezzor.

Riêng trong ngày 22/1, đã có 3.500 người rời khỏi khu vực trên. Đa số những người này là thân nhân của các tay súng IS.

Như vậy, kể từ đầu tháng 12/2018, gần 27.000 người bao gồm 1.800 phiến quân chấp nhận đầu hàng, đã rời bỏ các khu vực từng nằm dưới quyền kiểm soát của IS./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục