Ngày 8/4, Moskva tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với Brussels và Washington về tương lai của Ukraine nhưng khẳng định rằng các khu vực miền đông và miền nam nói tiếng Nga của quốc gia này phải có đại diện trong các cuộc thương lượng.
"Quả thực chúng tôi sẵn sàng cân nhắc một cơ chế đa phương trong đó có đại diện của các nước Châu Âu, Nga và Ukraine," Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với các nhà báo. "Chúng tôi ủng hộ miền nam và miền đông Ukraine có đại diện tại các cuộc đàm phán như thế."
Ngoại trưởng Nga bác bỏ những cáo buộc của Mỹ cho rằng Moskva đang gây bất ổn ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng tình hình chỉ có thể được cải thiện nếu các lợi ích của những người nói tiếng Nga được tính đến.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Angola Georges Chikoti tại thủ đô Moskva, ông Lavrov tái khẳng định lời kêu gọi của Moskva yêu cầu Ukraine cải cách hiến pháp để đảm bảo các quyền của cộng đồng người nói tiếng Nga ở đó.
Trước đó cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen cảnh báo rằng Nga sẽ gây ra "một sai lầm lịch sử" nếu tiếp tục can thiệp vào Ukraine, đồng thời hối thúc Moskva "lui bước" sau khi những người biểu tình ủng hộ Nga chiếm các tòa nhà chính quyền tại một số thành phố ở phía đông.
"Nếu nga can thiệp thêm nữa tại Ukraine thì sẽ là một sai lầm lịch sử. Nó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ giữ chúng ta với Nga và nó sẽ khiến cho Nga càng bị cô lập trên trường quốc tế," ông nói.
Phát biểu trong một hội nghị của NATO tại thủ đô Paris, Pháp, ông Rasmussen nói: "Những sự kiện ở miền Đông Ukraine gây ra quan ngại sâu sắc, tôi hối thúc phía Nga rút quân. Mọi động thái tiếp theo nhằm vào miền Đông Ukraine sẽ được coi là leo thang nghiêm trọng chứ không phải là xuống thang"./.