Trang mạng Atlantic Council mới đây đăng tải bài phân tích của David L. Goldwyn - Chủ tịch Nhóm cố vấn năng lượng thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) - về tình trạng Chính phủ Nga không ngừng hỗ trợ cho Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Nước Nga, dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Vladimir Putin, đã cung cấp cho Venezuela lực lượng an ninh và của cải vật chất, đây là đòn bẩy ngoại giao vô giá và "con đường huyết mạch" cho nền kinh tế.
Mãi cho đến khi các lệnh trừng phạt gần đây ngăn cản những hoạt động này thì Nga đã chuyển sang hình thức hỗ trợ khác thông qua công ty dầu khí Rosneft với việc mua, vận chuyển và bán dầu thô từ Venezuela.
[Venezuela và Nga tăng cường hợp tác chống đại dịch COVID-19]
Hoạt động giao thương này cho phép tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) thu lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của nước này.
Tháng 3/2020, công ty Rosneft đã kết thúc hoạt động chính thức tại Venezuela sau hai vòng trừng phạt mới liên tiếp từ Mỹ nhắm vào các công ty con của họ, vốn có liên quan đến hoạt động mua bán dầu thô của Venezuela.
Mặc dù việc chuyển giao tài sản bắt buộc là một thành công đáng chú ý đối với chính sách trừng phạt do Mỹ lãnh đạo, nhưng việc tạo ra một thành công có giới hạn không đồng nghĩa với việc Moskva sẽ chấm dứt ảnh hưởng đối với Caracas.
Rosneft cuối cùng đã trực tiếp bán tài sản ở Venezuela cho một công ty quốc doanh khác của Nga, nhượng lại những tài sản này một cách hiệu quả cho nhà nước Nga.
Kết quả là, ông Putin có thẩm quyền đối với các cổ phiếu liên doanh trước đó của Rosneft với PDVSA. Do đó, Nga sẽ vẫn là nhân tố chủ chốt trong lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela trong nhiều năm tới, với các quyền hạn hợp pháp đối với các tài sản có giá trị cao và là một "cổ đông" lớn trong chính phủ tương lai của Venezuela, một chính phủ có thể bảo vệ những lợi ích này.
Trong bối cảnh giá dầu thô đang ở mức thấp lịch sử và ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela hầu như không hoạt động sau nhiều năm sụt giảm sản xuất, rõ ràng lợi ích của ông Putin tại Venezuela không phải là kinh tế mà là địa chính trị.
Dưới thời Putin, Nga đã khẳng định vị trí của nước này. Trong những năm gần đây, Nga đã nổi lên như một nhân tố trung gian trên khắp Trung Đông, bao gồm ở Syria, Kurdistan và Libya.
Trong cuộc phô diễn sức mạnh này, Venezuela là "chiến lợi phẩm" mới nhất và là một chỗ đứng có giá trị ở Tây Bán cầu. Ảnh hưởng của Nga ở Venezuela làm suy yếu Học thuyết Monroe (ám chỉ những nỗ lực trong tương lai của các nước châu Âu để lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở châu Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược, và như vậy đòi hỏi sự can thiệp của nước Mỹ) cũng như lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, và có lẽ có thể trở thành một "con bài" thương lượng có giá trị để đòi hỏi sự nhượng bộ từ Chính phủ Mỹ ở những nơi khác (chẳng hạn như ở Crimea).
Trong bối cảnh Chính phủ Nga đã chịu một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ vì liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, việc duy trì quyền kiểm soát và tài sản ở Venezuela là một đề xuất có chi phí thấp và ít rủi ro.
Chiến lược của Mỹ đối với Venezuela là tập trung vào việc kiềm chế ảnh hưởng của Nga ở Venezuela. Chính quyền Mỹ cũng cần thừa nhận rằng một quá trình chuyển đổi dân chủ không thể thành công nếu không có sự phục hồi kinh tế ổn định, vốn phụ thuộc nhiều nhất vào lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela.
Chính sách của Mỹ phải cẩn thận trong việc giảm thiểu các nỗ lực của Nga, đồng thời bảo vệ trụ cột tương lai cho sự phục hồi của Venezuela và hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt đối với tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ trong bối cảnh Venezuela đang phải đấu tranh với sự lan rộng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mỹ và các chương trình trừng phạt quốc tế nên xây dựng dựa trên những thành công gần đây và tiếp tục nhắm vào bất kỳ thực thể nào hỗ trợ việc buôn bán lậu (chẳng hạn như buôn bán dầu thô không có giấy phép) cũng như các hoạt động bất hợp pháp như khai thác mỏ ở khu vực Amazon.
Khi các lệnh trừng phạt của Mỹ gây áp lực đối với Chính phủ của ông Maduro, chính sách của Mỹ cũng phải bảo vệ những người dễ bị tổn thương ở Venezuela.
Chính phủ Mỹ nên duy trì chính sách ủng hộ giao dịch hoán đổi, cho phép trao đổi dầu thô lấy các nguồn cung cấp nhân đạo rõ ràng, chẳng hạn như thực phẩm, thiết bị bảo vệ và thiết bị y tế. Mỹ cũng có thể xem xét liệu các nguồn cung cấp năng lượng quan trọng có thể đủ điều kiện dưới sự hỗ trợ nhân đạo đó hay không.
Chẳng hạn, giống như tầm quan trọng của khẩu trang và máy trợ thở trong cuộc chiến chống COVID-19, sự ổn định của năng lượng điện và việc cung cấp xăng dầu cũng rất cần thiết đối với các nhân viên y tế của Venezuela.
Mỹ và các công ty phương Tây khác tham gia vào lĩnh vực dầu mỏ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của Venezuela.
Các công ty này cần có đủ khả năng để ở lại trong nước nhằm bảo vệ tài sản của họ, vì sự hiện diện của khu vực tư nhân phương Tây là không thể thiếu trong việc kiềm chế sự ảnh hưởng của Nga.
Các công ty phương Tây sẽ là đối trọng vật chất duy nhất đối với ảnh hưởng trực tiếp của Chính phủ Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ không nên ép buộc tất các các công ty phương Tây còn lại ở Venezuela phải áp đặt lệnh trừng phạt mới, vốn sẽ chỉ góp phần đảm bảo cho ảnh hưởng của Nga, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo, đẩy nhanh tình trạng di cư trong khu vực và kéo theo nỗi lo sợ của các đồng minh châu Âu tại thời điểm diễn ra đại dịch toàn cầu.
Mỹ cần xây dựng chiến lược Venezuela của mình một cách cẩn trọng và kiềm chế ảnh hưởng đầy tính toán của Chính phủ Nga, đồng thời bảo vệ người dân Venezuela, bảo vệ nền kinh tế và ngành dầu mỏ của nước này vì một tương lai tốt đẹp hơn./.