Nga không lo bị "đói" nếu Mỹ và EU cắt nguồn cung lương thực

Nước Nga đã tự chủ được 60-90% lương thực và thực phẩm, vì thế nếu Mỹ và EU cố “đóng băng” nguồn cung lương thực và thực phẩm sang Nga, nước này sẽ không bị nạn đói đe dọa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Novosti)

Trong hơn 20 năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của Nga sa sút. Tình trạng này khiến các chuyên gia băn khoăn về nguy cơ nước Nga bị "đói" nếu nhập khẩu lương thực và thực phẩm giảm.

Những diễn biến quanh “chảo lửa” Ukraine và lời đe dọa tăng cường các hình phạt phát đi từ Mỹ và châu Âu đã khiến Moskva phải đưa vấn đề an ninh lương thực lên bàn thảo luận.

Nhiều năm về trước, như đã thành nếp, Nga khá lệ thuộc vào lương thực và thực phẩm nhập khẩu. Quả là như vậy đối với thời của Tổng thống Boris Yeltsin. Khi đó, vào những năm 1990, mức độ lệ thuộc của Nga đối với một số loại thực phẩm lên tới 50-70%.

Nhưng từ giữa những năm 2000, tình hình bắt đầu thay đổi. Tới năm 2010, chính sách quốc gia của Nga đã mang tính tư duy và hệ thống, được nêu trong học thuyết về an ninh lương thực với những tiêu chuẩn về tỷ trọng của tám loại lương thực và thực phẩm sản xuất trong nước. Đó là ngũ cốc, đường, dầu thực vật, thịt và sản phẩm thịt, sữa và sản phẩm sữa, các sản phẩm cá, khoai tây và muối.

Việc dân chúng dễ dàng mua được thực phẩm chất lượng với giá cả thích hợp cũng được coi là tiêu chuẩn cơ bản.

Kết quả là tới năm 2013, lương thực và thực phẩm nhập khẩu chỉ còn chiếm tỷ trọng gần 13% (với giá trị khoảng 40 tỷ USD) trong cơ cấu lương thực của Nga, so với mức 30% năm 1995.

Hiện Nga nhập gần 3 tỷ USD lương thực và thực phẩm từ các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) - những nước chưa chắc sẽ tham gia vào các hình phạt được đề xuất để “đánh” Nga.

Nga cũng nhập lương thực và thực phẩm từ các nước đang phát triển với kim ngạch 11 tỷ USD. Đây là những loại mà Nga không trồng và không sản xuất được như càphê, chè, cam quýt, chuối…

Hiện nay, Nga đã tự túc được hoàn toàn về bột ngũ cốc, mì sợi và đường; tự cung ứng được 85-90% nhu cầu dầu thực vật, thịt đóng hộp và bánh kẹo.

Đối với nhu cầu của Nga về sữa và sản phẩm sữa, Belarus, quốc gia đồng minh anh em, cung cấp 50%; Đức đáp ứng 12%, và Phần Lan 8%.

Theo các chuyên gia phân tích, cho đến nay có thể nói điểm yếu trong chuỗi cung ứng thực phẩm của Nga là cá (Na Uy đáp ứng 40% nhu cầu nhập khẩu), thịt và sữa. Tuy nhiên, nguồn cung cấp từ các vùng mà Mỹ và đồng minh kiểm soát chỉ chiếm từ 15% đến 17%.

Hầu như Nga đã ngừng hoàn toàn nhập khẩu gia cầm, thịt bò và thịt lợn từ Mỹ do tăng cường chăn nuôi trong nước và định hướng nhập từ các thị trường Nam Mỹ.

Nói chung, để có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng lệ thuộc vào nhập khẩu, Nga cần sản xuất thêm một lượng thịt gia súc trị giá 2,5 tỷ USD, cá và sản phẩm cá: 2,5 tỷ USD, sản phẩm sữa 1 tỷ USD, táo và lê 1 tỷ USD. Tổng cộng là 7 tỷ USD.

Cuộc họp của Chính phủ Nga về phát triển nông nghiệp đã đưa ra những số liệu cho thấy tiềm năng nông nghiệp được tăng cường vững chắc.

Với những loại thực phẩm quan trọng và được coi là “điểm yếu” của Nga như thịt và sản phẩm thịt thì sản lượng năm 2013 đạt 5,2 triệu tấn, tăng 10%. Điều đó cho phép giảm gần 10% lượng thịt nhập khẩu, khiến nhiều chủ nông trại Mỹ “thất nghiệp.”

Sản lượng sữa/sản phẩm sữa và bơ cũng tăng. Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Nikolaj Fedorov cho biết, chỉ số sản xuất thực phẩm của Nga đạt 102,3%.

Kết luận rút ra thật đơn giản, nếu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cố “đóng băng” nguồn cung lương thực và thực phẩm sang Nga, Nga sẽ không bị nạn đói đe dọa.

Hiển nhiên sẽ có đôi chút khó khăn với việc cung cấp những loại hoa quả lạ, rượu vang và những sản phẩm thịt và cá đặc sản, nhưng nước Nga ngày nay hoàn toàn độc lập không chỉ về chính sách đối ngoại mà còn đủ sức “nuôi” được mình. Và minh chứng là nước Nga tự chủ về lương thực và thực phẩm ở mức 60-90%.

Trong một thông cáo chung công bố cách đây khoảng hơn một tuần, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cảnh báo Nga phải gánh chịu “những hậu quả” nếu cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine vào ngày 25/5 sắp tới thất bại.

Tuyên bố này ám chỉ tới việc triển khai các biện pháp trừng phạt giai đoạn ba, tập trung vào lĩnh vực kinh tế chống lại Nga mà các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất hôm 6/3 vừa qua.

Tóm lại, tăng cường sản xuất lương thực vẫn phải là nhiệm vụ chiến lược với Nga. Trong 5 năm tới Nga phải bảo đảm không chỉ loại trừ được sự phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu, mà còn trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới về xuất khẩu lương thực và thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục