Nga không còn nhiều thời gian để đối phó sự cô lập về công nghệ

Trong trường hợp xung đột kéo dài, Nga sẽ phải tăng mạnh tài trợ cho việc phát triển các công nghệ và ngành công nghiệp của mình.
Serniya Engineering là một trong những công ty bị xem xét trừng phạt. (Nguồn: testing-control.ru)

Theo Báo Độc lập (Nga), trong tương lai gần, Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả sự cô lập về công nghệ, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất là thiết bị máy tính, phần mềm và thông tin liên lạc hiện đại.

Chính phủ Mỹ cam kết sẽ áp đặt cái gọi là các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với doanh nghiệp từ các nước thứ ba cung cấp thiết bị và công nghệ phức tạp cho Nga.

Chính phủ Nga ngày 28/3 đã cam kết sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng sản xuất giấy vào giữa tháng Tư. Tuy nhiên, Nga cần những công nghệ và thiết bị tinh vi hơn nhiều mà nước này chưa sản xuất được.

Trong trường hợp xung đột kéo dài, Nga sẽ phải tăng mạnh tài trợ cho việc phát triển các công nghệ và ngành công nghiệp của mình.

Về lâu dài, đặt cược vào việc tự phát triển có thể mang lại kết quả. Ít nhất thì kinh nghiệm của Triều Tiên hay Iran đều cho thấy ngay cả trong điều kiện bị cô lập, các nước này đã học được cách sản xuất vũ khí tinh vi và thậm chí tạo ra kỹ thuật máy tính của riêng mình.

Trong tuần này, Mỹ đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty Nga cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho quân đội và cơ quan tình báo. Các công ty như Sernia Engineering, Sertal, cũng như các pháp nhân liên quan dự kiến sẽ bị hạn chế, báo chí Mỹ đưa tin.

[Xung đột Nga-Ukraine khiến nền kinh tế của cả hai nước suy giảm mạnh]

Trước đó, các đại diện của Mỹ đã cam kết sẽ không để Nga lách các lệnh trừng phạt, kể cả các giải pháp công nghệ.

Cho đến nay, việc cô lập Nga khỏi công nghệ máy tính dường như được chú trọng nhất. Việc cung cấp hầu hết các phần cứng máy tính cho Nga đều bị cấm, các nhà cung cấp từ chối hỗ trợ phần mềm phức tạp và đặc biệt, đội ngũ các nhà phát triển trong nước gặp áp lực chưa từng có khiến họ phải di cư.

Gần như không thể khắc phục được lớp cô lập về công nghệ trong thời gian ngắn, đặc biệt là trước nguy cơ Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những nỗ lực cung cấp công nghệ hiện đại cho Nga.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Chúng tôi có một số công cụ để thực thi các biện pháp trừng phạt. Và một trong những công cụ đó là đưa vào danh sách đen những cá nhân hoặc tổ chức trong khu vực pháp lý của nước thứ ba không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc đang thực hiện các nỗ lực có hệ thống để làm suy yếu hoặc bỏ qua chúng.”

Theo ông Sullivan, doanh nghiệp ở các nước thứ ba nhận thức rõ rằng Mỹ có thể trừng phạt nếu họ vi phạm các lệnh trừng phạt Nga. Nếu cuộc khủng hoảng Ukraine không được giải quyết trong những tháng tới, Chính phủ Nga sẽ phải xem xét lại tất cả các chính sách công nghiệp và công nghệ đã được định hình trong nhiều thập kỷ qua.

Alexander Shirov, Giám đốc Viện Dự báo Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, khuyến cáo cuộc sống trong điều kiện mới sẽ đòi hỏi phải thay đổi một số lượng lớn các định đề chính sách kinh tế. Chính phủ đang tập trung một cách khách quan vào việc giải quyết các vấn đề chiến thuật, nhưng đã đến lúc phải suy nghĩ về một chiến lược nhằm ứng phó với những thách thức và mối đe dọa lâu dài đối với sự phát triển của kinh tế Nga.

Ông Valery Mironov, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thuộc Đại học tổng hợp Nghiên cứu Quốc gia, nhận xét: “Trong trung hạn, hạn chế do các đối tác nước ngoài áp đặt đối với việc cung cấp các linh kiện nhập khẩu, hàng hóa đầu tư hoàn thiện và hàng tiêu dùng là mối đe dọa đáng kể đối với kinh tế Nga.”

Theo ông Mironov, điều quan trọng là chính phủ phải đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách tăng tỷ trọng của các lĩnh vực công nghệ cao. “Các tín hiệu cho thấy chuyển động theo hướng này bắt đầu có thể được nhìn thấy ngay cả trước cuộc khủng hoảng hiện tại,” ông Mironov bày tỏ.

Hiện chính phủ Nga đang gặp khó khăn trong việc thích ứng với các lệnh trừng phạt đối với các ngành công nghiệp và công nghệ tương đối đơn giản. Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov đã cam kết sẽ bình thường hóa nguồn cung giấy sản xuất trên lãnh thổ nước này vào giữa tháng Tư từ nguyên liệu thô trong nước.

Bộ của ông Manturov giải thích: “Tính đến việc bị áp đặt các hạn chế trừng phạt và các vấn đề hậu cần đối với việc cung cấp hóa chất nhập khẩu tại một trong những nhà máy lớn nhất, việc tái cấu trúc quy trình công nghệ đã được thực hiện để tìm ra giải pháp mới cho sản xuất.”

Nhà phân tích cấp cao Anton Bykov của công ty Esperio đánh giá: “Quốc phòng, thông tin liên lạc, hàng không và đóng tàu, công nghiệp ô tô, điện toán đám mây, sản xuất vi xử lý - tất cả các lĩnh vực này của kinh tế Nga không chỉ phụ thuộc vào nguồn cung cấp linh kiện điện tử nước ngoài, mà hiện đang trực tiếp chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và EU. Theo ước tính của chính quyền Mỹ, các biện pháp hạn chế có thể làm giảm 50% việc nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao vào Nga.”

Tuy nhiên, theo ông Bykov, ngay cả các nhà phân tích từ các tổ chức tài chính lớn của Mỹ cũng nghi ngờ khả năng áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ đã được áp dụng đối với Nga, vì phần lớn việc sản xuất các sản phẩm này tập trung ở châu Á. Mỹ rất có thể đã vội vàng cấm các nước thứ ba cung cấp hàng hóa từ các danh mục trừng phạt, được sản xuất với sự trợ giúp của phần mềm hoặc công nghệ của Mỹ, cho Nga.

"Rốt cuộc, có những nghi ngờ rất lớn về khả năng kiểm soát này trên thực tế,” chuyên gia kinh tế Bykov lưu ý và nói tiếp: “Trong vòng 3-5 năm, Nga sẽ có thể phát triển các sản phẩm tương tự hoặc tìm kiếm sự thay thế cho các mặt hàng xuất khẩu công nghệ phi tiêu dùng của phương Tây.

Tuy nhiên, giai đoạn tạm thời này, giữa sự cạn kiệt nguồn dự trữ các linh kiện phương Tây (3-6 tháng) và chuyển sang các sản phẩm thay thế (3-5 năm), là giai đoạn nguy hiểm nhất, đặc biệt là đối với các ngành liên quan như vận tải hàng không hoặc thông tin liên lạc. Ở đây, sự tập trung tối đa các nỗ lực của nhà nước là cần thiết để ngăn chặn thảm kịch.”

Giám đốc Viện các nước châu Á và châu Phi thuộc Đại học tổng hợp Lomonosov, ông Alexei Maslov, lưu ý: “Trong những tháng tới, sẽ không có gì nghiêm trọng xảy ra do nguồn cung ngừng hoạt động. Đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất, tính bền vững tổng thể có thể được ước tính từ 2-7 năm và trong một số trường hợp còn hơn thế. Tuy nhiên, cần dựa trên thực tế rằng nhiều điểm nút cần phải được thay thế trong năm nay và năm sau. Do đó, chúng ta có thể nói về hai hoặc ba năm còn lại để tổ chức lại sản xuất của Nga.”

Chuyên gia này cũng cho rằng Iran và Triều Tiên đã cho thấy việc phát triển các sản phẩm quân sự là có thể thực hiện được ngay cả khi bị trừng phạt ngặt nghèo nhất. Tuy nhiên, sự chuyển đổi đáng lưu ý của các công nghệ quân sự thành công nghệ dân sự là điều chưa được nhìn nhận thấy.

Do đó, các công nghệ dân sự nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt cô lập - và kết quả là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Maslov cho rằng vai trò đặc biệt trong cuộc chiến trừng phạt công nghệ hiện thuộc về Trung Quốc. Ông đề xuất: “Có vẻ như sự suy yếu hoàn toàn về công nghệ của Nga là vô cùng không có lợi đối với Trung Quốc, vì nước này có thể phải đối mặt với các công nghệ và tiêu chuẩn của phương Tây, chủ yếu là của Mỹ. Thị trường Nga là một thị trường tuyệt vời, vì vậy rõ ràng là các công nghệ của Trung Quốc sẽ đến với Nga rộng rãi hơn.”

Tuy nhiên, điều quan trọng là Nga không chỉ là bên tiếp nhận công nghệ của Trung Quốc mà còn phải cùng nhau phát triển và triển khai một số mô hình triển vọng, nội địa hóa sản xuất ở Nga, tiến hành đào tạo lại toàn bộ nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao, để Nga không bị ràng buộc với các công nghệ của Trung Quốc giống như đã bị ràng buộc với các công nghệ của phương Tây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục