Ngày 25/4, Nga tuyên bố không có "lựa chọn thay thế" nào cho thỏa thuận hạt nhân Iran hiện tại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron kêu gọi một thỏa thuận mới với Tehran.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng không có lựa chọn thay thế nào tồn tại cho đến thời điểm này," đồng thời cho biết lập trường của Tehran về vấn đề này có ý nghĩa lớn nhất.
Moskva ủng hộ việc giữ nguyên thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), đồng thời bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của việc lặp lại thành công như vậy trong tình hình hiện nay.
Trước đó, trong bối cảnh hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra với các nước châu Âu để bổ sung những điều khoản mới cho JCPOA đang đến gần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết lãnh đạo Mỹ-Pháp đã thảo luận về một "thỏa thuận mới" củng cố hơn nữa JCPOA và phù hợp với mong muốn của ông Trump.
[Iran phản đối đề xuất của Mỹ và Pháp về thỏa thuận hạt nhân mới]
Theo đề xuất của ông Macron, Mỹ và châu Âu sẽ chặn bất kỳ hoạt động hạt nhân nào của Iran cho đến năm 2025, cũng như giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và tạo ra điều kiện phù hợp cho giải pháp chính trị nhằm ngăn ảnh hưởng của Tehran tại Yemen, Syria, Iraq và Liban.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thể hiện sự hoài nghi với tính hợp pháp trong đề xuất trên. Theo ông, Mỹ và Pháp không có quyền và lý do gì để đưa ra quyết định cho thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay vẫn "đang hoạt động" và cần được bảo toàn.
Theo đại diện EU, chuyện gì xảy ra trong tương lai thì sẽ xem xét trong tương lai, song hiện đang tồn tại một thỏa thuận hạt nhân với Iran và thỏa thuận này cần được gìn giữ./.