Ngày 29/8, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình thám hiểm vũ trụ bất chấp việc tàu vũ trụ Luna-25 gặp sự cố khi đáp xuống Mặt Trăng.
Phát biểu họp báo, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng thất bại của sứ mệnh Luna-25 vừa qua không phải là "điều gì khủng khiếp" để lo lắng hay tuyệt vọng, mà là lý do để phân tích nguyên nhân thất bại và khắc phục trong sứ mệnh tiếp theo.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi biết rằng con đường đến các vì sao phải đi qua chông gai. Điều cốt yếu là tiếp tục chương trình (thám hiểm vũ trụ) của Nga."
Theo ông, các dự án thám hiểm vũ trụ của Nga "khá tham vọng" và "sẽ được hiện thực hóa."
[Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga gặp sự cố trong lúc chuẩn bị đi vào quỹ đạo]
Nga đã phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25 vào không gian hôm 11/8. Động thái này đánh dấu bước khởi động lại chương trình thăm dò Mặt Trăng của Nga sau gần 50 năm.
Nhiệm vụ chính của Luna-25 là phát triển công nghệ hạ cánh mềm, nghiên cứu cấu trúc bên trong của vệ tinh, tiến hành thăm dò tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả nước, đồng thời điều tra tác động của các tia vũ trụ và bức xạ điện từ trên bề mặt của Mặt Trăng.
Luna-25 đã đi vào quỹ đạo của Mặt Trăng ngày 16/8 vừa qua. Đây là tàu vũ trụ đầu tiên của Nga đi vào quỹ đạo Mặt Trăng kể từ năm 1976.
Tuy nhiên, ngày 21/8, mô-đun hạ cánh tự động của Luna-25 đã gặp sự cố do trục trặc động cơ trong quá trình chuyển sang quỹ đạo trước khi hạ cánh và đã va chạm với bề mặt Mặt Trăng.
Sau sự việc trên, người đứng đầu Tập đoàn Vũ trụ Nhà nước Nga Roscosmos, ông Yury Borishov cho hay Nga có thể sẽ thực hiện một sứ mệnh khác tới cực Nam của Mặt Trăng vào năm 2025-2026, bởi các nhà khoa học mong muốn tiếp tục các dự án về hành tinh này./.