Nga khẳng định tàu ngầm đi qua eo biển Manche để về căn cứ

Nga khẳng định tàu ngầm đi qua eo biển Manche để trở về căn cứ

Nga cho rằng Anh đã thổi phồng việc tàu ngầm Nga đi qua eo biển Manche, coi đây là "kế hoạch dọa nạt" người dân London về những điều mà Anh cho là nguy cơ tiềm ẩn từ phía Moskva.
Nga khẳng định tàu ngầm đi qua eo biển Manche để trở về căn cứ ảnh 1Tàu ngầm Stary Oskol lớp Kilo 636.3 của Hải quân Nga. (Nguồn: livejournal)

Nga cho rằng Anh đã thổi phồng sự việc một tàu ngầm Nga đi qua eo biển Manche, coi đây là "kế hoạch dọa nạt" người dân của chính quyền London về những điều mà Anh cho là nguy cơ tiềm ẩn từ phía Moskva.

Theo tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter của Đại sứ quán Nga tại London ngày 8/6, Anh đang "làm rùm beng nhân việc một tàu ngầm Nga đi qua vùng biển quốc tế." Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thể hiện sự ngạc nhiên trước những thông tin cho rằng Hải quân Anh và các đồng minh trong Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại phải phối hợp chung mới phát hiện được một tàu ngầm nhưng chạy nổi trên mặt biển với vận tốc chậm mà đi kèm với một tàu lai dắt của Nga tại Biển Bắc.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu ngầm Stary Oskol lớp 636.3 sau khi tiến hành các hoạt động thử nghiệm tại Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Bắc theo kế hoạch luân chuyển liên hạm đội đã đi qua eo biển Manche trên đường trở về căn cứ ở Hạm đội Biển Đen. Tàu ngầm này đi nổi trên mặt biển theo tàu lai dắt Altai.

Trước đó cùng ngày, kênh truyền hình Sky News dẫn lời Chỉ huy tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Anh HMS Kent, ông Daniel Thomas cho biết họ đã chặn một tàu ngầm Nga ở Biển Bắc mà lực lượng NATO phát hiện.

Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho rằng hành động trên chứng tỏ Hải quân Anh vẫn duy trì cảnh giác trong vùng biển quốc tế để bảo đảm an ninh và bảo vệ Anh khỏi các mối đe dọa tiềm tàng. Có thông tin còn cho rằng tàu ngầm Stary Oskol của Nga lần đầu tiên xuất hiện tại eo biển Manche trong hơn một thập kỷ qua.

Quan hệ giữa NATO và Nga trở nên căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng sau sự kiện Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Liên bang Nga hồi tháng 3/2014. Ngoài ra, NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Ukraine là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục