Ngày 18/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moskva sẽ kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiết lập những liên lạc thông thường giữa các chuyên gia quân sự trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.
Trả lời phỏng vấn báo Rheinische Post của Đức, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: "Chúng tôi bắt nguồn từ giả định rằng, để ngăn chặn những khuynh hướng tiêu cực, các quan chức hàng đầu của các nước thành viên hàng đầu NATO cần cân nhắc những cách tiếp cận hiện tại trong việc xây dựng quan hệ với Nga. Cần phải thiết lập liên lạc thông thường giữa các chuyên gia quân sự trong Hội động Nga- NATO."
Ông Lavrov lưu ý Nga đã đưa ra "những đề xuất cụ thể cho việc giảm mối đe dọa quân sự và ngăn chặn những vụ việc không lường trước" và Moska "hiện đang đợi câu trả lời của NATO."
Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, sáng kiến bình thường hóa quan hệ nên xuất phát từ NATO, còn Nga sẵn sàng đáp lại mọi thiện chí của phía đối tác.
[Ngoại trưởng Nga khẳng định muốn cải thiện quan hệ với EU, NATO]
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang xấu đi, đặc biệt sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đổ vỡ.
Các chuyên gia và giới chức phương Tây lo ngại nguy cơ an ninh do châu Âu nằm trong tầm ngắm tên lửa tầm trung của Nga.
Moskva khẳng định kiềm chế các ý định gây hấn của NATO, vừa thúc đẩy đàm phán với các nước thành viên của tổ chức này. Nga không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng phải đảm bảo an ninh của mình.
Trong khi đó, NATO gần đây cảnh báo sẽ đưa ra phản ứng phối hợp nếu Nga không quay lại việc tuân thủ INF trước ngày 2/8 tới.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO sẽ có một số phương án đáp trả, trong đó có việc tăng cường phòng thủ tên lửa và các lực lượng vũ trang thông thường.
INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km).
Mỹ đã chính thức đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước INF từ ngày 2/2 vừa qua với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, đồng thời bắt đầu thực hiện tiến trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng.
Nga đã bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng chính Washington mới là bên vi phạm hiệp ước. Sau đó, ngày 3/7 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn dự luật đình chỉ hiệp ước này./.