Nga, Kazakhstan, Belarus thúc đẩy liên kết kinh tế Á-Âu

Liên minh Á-Âu được thành lập nhằm củng cố nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau của các nước thành viên.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phải) và Tổng thống Nga Putin. (Nguồn: AFP)

Nga, Kazahstan và Belarus đã xác định các nguyên tắc nền tảng của Liên minh kinh tế Á-Âu mới.

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Kinh tế tối cao Á-Âu cấp nguyên thủ quốc gia ngày 24/12 tại thủ đô Moskva, Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ trong hai tháng qua, các chuyên gia của ba nước đã soạn dự thảo Hiệp định về Liên minh Kinh tế Á-Âu với quy chế pháp lý, cơ cấu tổ chức, mục tiêu và cơ chế hoạt động dự kiến.

Ông nhấn mạnh nguyên tắc nền tảng là hoạt động của tổ chức này cần đáp ứng tối đa lợi ích quốc gia của tất cả các nước thành viên.

Liên minh Á-Âu được thành lập nhằm củng cố nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau của các nước thành viên.

Tổng thống Putin nêu rõ liên minh sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm các quốc gia thành viên qua đó nâng cao mức sống của người dân các nước.

Tổng thống Nga cho biết danh sách hạn chế và ngoại lệ trong khuôn khổ Liên minh hải quan và không gian kinh tế thống nhất sẽ hoàn tất trước ngày 1/3/2014 để xác định các biện pháp cụ thể loại bỏ chúng nhằm tạo điều kiện cho hệ thống kinh tế thống nhất hoạt động hiệu quả.

Theo ông, Nga, Belarus và Kazahstan sẽ mở rộng hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với các nước khác.

Ông lưu ý Armenia và Kyrgyzstan đã thực hiện một khối lượng công việc đáng kể để tham gia dự án liên kết này. Ông tuyên bố cần đảm bảo cân bằng lợi ích cho tất cả các nước tham gia liên minh.

Belarus và Kazahstan hiện là thị trường lớn thứ ba đối với Nga, sau Liên minh châu Âu và Trung Quốc.

Tổng kim ngạch thương mại giữa Nga với hai nước trong những năm gần đây đã tăng từ 15 tỷ USD lên 58 tỷ USD.

Bên lề cuộc họp, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Kazakhstan Nursultan Nazarbaev đã ký Hiệp định Hợp tác kỹ thuật quân sự và chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác năng lượng cũng như "lộ trình" khai thác tổ hợp sân bay vũ trụ Baikonur mà hiện Nga đang thuê của Kazahstan trong giai đoạn 2014-2016./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục