Nga hy vọng Mỹ không cho phép Ukraine tấn công tên lửa vào lãnh thổ nước này

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin bày tỏ hy vọng chính phủ Mỹ sẽ không cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Liên bang Nga.

Các phương tiện bốc cháy sau vụ tấn công tại thành phố Belgorod của Nga nằm cách biên giới Ukraine khoảng 40km, ngày 30/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các phương tiện bốc cháy sau vụ tấn công tại thành phố Belgorod của Nga nằm cách biên giới Ukraine khoảng 40km, ngày 30/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin, bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 26/9, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Vershinin bày tỏ hy vọng chính phủ Mỹ sẽ không cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Liên bang Nga.

Theo Thứ trưởng Vershinin, hậu quả của việc Washington cho phép tấn công như vậy là “rõ ràng với tất cả.” Ông nhấn mạnh: “Tôi muốn tin rằng Mỹ sẽ có đủ lý trí và trí tuệ để không dẫn đến tình trạng này.”

Trong một diễn biến khác, Thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga, ông Dmitry Peskov, ngày 26/9 cho biết sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi sẽ được ban hành khi sẵn sàng.

Trả lời câu hỏi liệu dự thảo đã được phê duyệt hay chưa và liệu nó có được phê duyệt bởi sắc lệnh của tổng thống, ông Peskov nói: “Khi sẵn sàng, (văn kiện) sẽ được công bố.”

Trước đó, ngày 25/9, Tổng thống Putin đã triệu tập một cuộc họp thường trực của Hội đồng An ninh Liên bang Nga về răn đe hạt nhân và đề cập đến những sửa đổi dự kiến đối với học thuyết hạt nhân của Liên bang Nga.

Phiên bản học thuyết hạt nhân của Liên bang Nga hiện nay, dự kiến sẽ được sửa đổi, đã được Tổng thống phê chuẩn tháng 6/2020.

Nguyên tắc cơ bản của học thuyết là vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tên chính thức của văn kiện là “Nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước Liên bang Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục