Nga huy động nguồn lực chống dịch, Đức ủng hộ giãn cách xã hội

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/4 cho biết tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn và Nga có thể huy động các nguồn lực của Bộ Quốc phòng để đối phó nếu cần.
Nga huy động nguồn lực chống dịch, Đức ủng hộ giãn cách xã hội ảnh 1Người dân thủ đô Moskva (Nga) tuân thủ khoảng cách xã hội 2m, xếp hàng đeo găng tay và khử trùng trước khi vào mua hàng. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/4 cho biết tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn và Nga có thể huy động các nguồn lực của Bộ Quốc phòng để đối phó cuộc khủng hoảng này nếu cần.

Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao, được phát sóng trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Putin nêu rõ tình hình đang thay đổi liên tục và vài tuần tới sẽ mang tính quyết định trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Putin đánh giá số người mắc bệnh nặng ngày càng tăng và chính quyền cần tính đến mọi phương án, cả những kịch bản khó khăn và bất thường nhất "để linh hoạt, kịp thời điều chỉnh chiến lược và chiến thuật hành động của chúng ta, trước tiên là chăm sóc y tế cho người dân.”

Tuy nhiên, Tổng thống Putin lưu ý rằng Nga đã có thể thực hiện các biện pháp chủ động trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Để tiếp tục hành động một cách chủ động, cần có các dự báo “tốt và chuyên nghiệp.”

Ông Putin lưu ý rằng một dự báo chuyên nghiệp về sự phát triển của tình hình là cần thiết. "Và không chỉ trong trung hạn và dài hạn, mà cả trong khoảng thời gian 3, 7, 10 ngày tiếp theo.”

Ông cũng yêu cầu phân bổ hợp lý bệnh nhân tại các bệnh viện và phòng khám ở các khu vực khác nhau.

Người phát ngôn Điện Kremlin,  Dmitry Peskov đã hối thúc người dân Nga tránh so sánh tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với cuộc khủng hoảng trong những năm 1990, đồng thời cảnh báo những quan ngại về tỷ lệ phạm tội gia tăng là "những dấu hiệu của sự quá khích".

Phát biểu với báo giới, khi được hỏi liệu Điện Kremlin có lưu ý tới những thông tin về tỷ lệ phạm tội gia tăng tại một số khu vực hay không, ông Peskov nêu rõ: "Trước tỷ lệ phạm tội gia tăng, dĩ nhiên, chúng tôi đang ghi nhận tất cả các vụ việc này."

Theo ông, trong thời điểm này, điều vô cùng quan trọng là tất cả mọi người cần tránh suy diễn từ những vụ việc đơn lẻ và "làm bức tranh đen tối hơn," ngay cả khi tỷ lệ tội phạm gia tăng ở một số thành phố.

Trả lời câu hỏi liệu kịch bản những năm 1990 có thể tái diễn xét về khía cạnh tỷ lệ phạm tội, ông Peskov cho biết: "Có những dấu hiệu của sự kích động, điều mà chúng ta không ngừng chống lại."

Tính đến nay, tổng số bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 ở Nga đã lên tới 18.328 người, trong đó 148 người đã tử vong.

Quốc hội Ukraine phê chuẩn ngân sách khẩn cấp để ứng phó dịch COVID-19

Ngày 13/4, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn ngân sách sửa đổi cho năm 2020, do chính phủ soạn thảo nhằm ứng phó với tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngân sách sửa đổi sẽ khiến thâm hụt tăng lên 7,5% GDP, trong khi mục tiêu đặt ra trước đó là 2,1%. Trong khi đó, kinh tế suy giảm 4,8% do các biện pháp phong tỏa được áp đặt ở Ukraine và các quốc gia khác.

Cùng ngày, Văn phòng Báo chí Bộ Y tế dẫn số liệu của Trung tâm Y tế cộng đồng cho biết trong vòng 24 giờ, nước này ghi nhận thêm 325 ca nhiễm, đưa tổng số người nhiễm lên 3.102 ca. Đến nay, Ukraine đã ghi nhận 93 ca tử vong trong khi 97 bệnh nhân đã hồi phục.

Phần lớn người dân Đức muốn tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phần lớn người dân Đức mong muốn chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn triệt để sự lây lan của dịch COVID-19. Đây là kết quả một cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu YouGov tiến hành, công bố ngày 13/4.

Nga huy động nguồn lực chống dịch, Đức ủng hộ giãn cách xã hội ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 28/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Cuộc thăm dò cho thấy nhiều người dân Đức đang "cảnh giác" với việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm. 44% số người được hỏi cho biết họ muốn chính phủ liên bang tiếp tục gia hạn các biện pháp hạn chế sau ngày 19/4, trong khi 12% ủng hộ việc tăng cường và siết chặt hơn.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy số người ủng hộ việc nới lỏng giãn cách xã hội chiếm 32% và 8% cho biết họ muốn chính phủ bãi bỏ các biện pháp phong tỏa. Ngoài ra, 78% người được hỏi khẳng định họ đang tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định về hạn chế tiếp xúc xã hội, trong khi 18% cho biết chỉ tuân thủ một phần các quy định và số người không thực hiện chiếm 2%.

Trước đó ngày 23/3, Thủ tướng Angela Merkel đã thông báo một loạt biện pháp cứng rắn, được thống nhất áp dụng trên toàn quốc trong cuộc chiến chống dịch, trong đó có việc cấm tụ tập từ 2 người trở lên, ngoại trừ các thành viên trong gia đình hoặc những người sống cùng trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m ở nơi công cộng; đóng cửa các nhà hàng ăn uống, song vẫn được phép vận chuyển hoặc lấy đồ mang về...

Các lực lượng trật tự và cảnh sát sẽ giám sát và phạt nặng những trường hợp vi phạm những quy định này và sẽ được áp dụng trên cả nước trước mắt trong 2 tuần.

Dự kiến vào ngày 15/4, Thủ tướng Merkel sẽ có cuộc thảo luận với thủ hiến các bang ở Đức về tình hình dịch bệnh, cũng như xem xét tiến hành các bước tiếp theo sau khi kỳ nghỉ lễ Phục Sinh kết thúc vào ngày 19/4 tới.

Tính đến 20h00 giờ Hà Nội, nước Đức đã ghi nhận gần 125.452 trường hợp nhiễm bệnh, gần 3.000 ca tử vong và gần 53.000 người khỏi bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục