Ngày 19/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moskva hoan nghênh nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào trong việc giải quyết tình hình ở Ukraine.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ điều quan trọng hiện nay là tác động để Ukraine thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk và Moskva hy vọng các nước như Thổ Nhĩ Kỳ có thể thúc đẩy nỗ lực này.
Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra trong bối cảnh giới chức Ankara cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mời người đồng cấp Nga và Ukraine thăm Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận và giải quyết bất đồng trong quan hệ giữa 2 nước này.
Ông Peskov nhấn mạnh các đối tác quốc tế của Nga cần lưu ý đến thực tế rằng tình hình ở Ukraine đang căng thẳng và việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuyển vũ khí tới quốc gia Đông Âu này có thể khiến tình hình leo thang hơn nữa.
Đến nay, chính quyền Nga vẫn bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng nước này có ý định tấn công Ukraine. Moskva cũng hối thúc Mỹ đưa ra đảm bảo an ninh với Nga, bao gồm việc không cho phép Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Về quan hệ giữa Nga với phương Tây, ông Peskov bày tỏ hy vọng Moskva sẽ sớm nhận được phản hồi bằng văn bản đối với các đề xuất của nước này về vấn đề đảm bảo an ninh trong vài ngày tới.
Ông cũng khẳng định Nga rất coi trọng quan hệ với Đức, bày tỏ hy vọng các bên sẽ phát triển mối quan hệ này một cách nhất quán.
Trước đó một ngày, Đức đã để ngỏ khả năng dừng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga, nếu Moskva tấn công Kiev.
Trong một phát biểu cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết ông không tin rằng có nguy cơ về một cuộc chiến tranh quy mô lớn bắt đầu nổ ra ở châu Âu hoặc ở nơi khác.
[Nga đã chuẩn bị tốt cho các lệnh trừng phạt của phương Tây]
Ông Ryabkov tái khẳng định Moskva không có kế hoạch tấn công hay xâm lược Ukraine.
Nhà ngoại giao này lưu ý rằng Nga chỉ tiến hành các cuộc tập trận, điều chuyển quân thường kỳ trên lãnh thổ của mình, đồng thời khẳng định Nga sẽ bằng con đường ngoại giao cố gắng hết sức để ngăn việc Ukraine gia nhập NATO.
Ông Ryabkov cho rằng tình hình an ninh châu Âu “đang nghiêm trọng,” do đó kêu gọi phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Về phía châu Âu, ngày 19/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ đối thoại với Nga nhưng sẽ không chấp nhận "âm mưu chia cắt châu Âu" thành các khu vực ảnh hưởng.
Nhà lãnh đạo EU cũng tái khẳng định tình đoàn kết của khối này với Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ “đưa ra các biện pháp trừng phạt quy mô lớn, phối hợp với các đối tác" nếu tình hình xấu đi.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên tiếng bày tỏ hy vọng mạnh mẽ rằng các bên có thể duy trì giải quyết các căng thẳng hiện nay bằng con đường ngoại giao và đối thoại.
Trong phát biểu trước các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, ông Blinken nhấn mạnh điều này phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời cảnh báo Washington sẽ triển khai đối đầu nếu nhà lãnh đạo Nga không lựa chọn con đường đối thoại.
Ngoại trưởng Blinken đang có chuyến thăm Ukraine và dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelenskiy trước khi tới Berlin (Đức) để hội đàm với đại diện của Anh, Pháp và Đức.
Tiếp đó, ông Blinken dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào ngày 21/1 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Các động thái ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và NATO với Nga hồi tuần trước không mang lại kết quả đột phá./.