Nga - một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới - sẽ thực thi các biện pháp hạn chế xuất khẩu ngũ cốc nhằm hạ giá ngũ cốc trong nước, giữa bối cảnh nước này đang phải đối mặt với nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính do đà "trượt dốc không phanh" của giá dầu thế giới và các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine.
Tại cuộc họp với các nhà xuất khẩu ngũ cốc trong nước cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết chính phủ sẽ sử dụng tất cả các biện pháp có thể để hạn chế xuất khẩu ngũ cốc.
Giới phân tích cho rằng, Nga tránh sử dụng các công cụ chính thống để kiềm chế xuất khẩu do có thể mất nhiều thời gian để thực hiện và ảnh hưởng tới các mối quan hệ với khách hàng, trong khi có thể viện dẫn việc kiểm soát chất lượng để hạn chế xuất khẩu lúa mỳ.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Nga nêu rõ Bộ sẽ tránh các biện pháp hạn chế xuất khẩu dù kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc ở mức kỷ lục, sau khi đồng ruble liên tục mất giá trước đồng USD. Cục Kiểm dịch Động thực vật Liên bang Nga (VPSS) cho biết Cục sẽ "chú ý đặc biệt" tới chất lượng ngũ cốc xuất khẩu.
Hiện giới đầu tư đang nắm giữ các hợp đồng ngũ cốc của Nga có kỳ hạn tới tháng 4/2015. Dự kiến, nước này có thể xuất khẩu khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 2014-2015 mà không ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tính đến thời điểm này Nga đã xuất khẩu được 19 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 15 triệu tấn lúa mỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, hai nhà nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất trong tổng số 15 quốc gia thường xuyên mua lúa mỳ của Nga, hiện đang hứng chịu những tác động tiêu cực từ việc giá mặt hàng này tăng cao do lo ngại nguồn cung từ Xứ sở Bạch dương bị thắt chặt. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn hy vọng Nga vẫn giữ chữ tín đối với các hợp đồng nhập khẩu lúa mỳ kỳ hạn của nước này, đồng thời khẳng định vẫn ưu tiên mua lúa mỳ từ Nga, bất chấp nguồn cung hiện đang khá đa dạng.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Liên minh châu Âu (EU) lại là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch hạn chế xuất khẩu ngũ cốc của Nga.
Giữa bối cảnh châu Âu đang bước vào niên vụ thứ hai với mức xuất khẩu ngũ cốc kỷ lục, các nhà xuất khẩu khu vực này có thể thâu tóm các thị trường xuất khẩu của Nga.
Điều này đã giúp giá lúa mỳ giao tháng 3/2015 tại sàn giao dịch hàng hóa Euronext leo lên mức cao nhất trong hơn bảy tháng qua vào phiên giao dịch ngày 18/12.
Giá mặt hàng này đã tăng 37% kể từ khi chạm mức thấp nhất bốn năm vào ngày 26/9 năm nay.