Ngân hàng trung ương Nga (CBR) ngày 25/3 thông báo đã áp đặt các quy định hạn chế đối với những luồng tiền có thể được chuyển tới các quốc gia và khu vực “không thân thiện.”
Theo CBR, biện pháp trên được triển khai nhằm đối phó với tình trạng một phần trong các nguồn dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga bị phong tỏa tại một số quốc gia.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov trước đó xác nhận Moskva sở hữu tổng giá trị dự trữ vàng và ngoại tệ tương đương với khoảng 640 tỷ USD. Khoảng 300 tỷ USD trong số này đang bị phong tỏa sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2.
[Tổng thống Nga chỉ thị Gazprom triển khai thanh toán bằng đồng ruble]
Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga như đóng băng dự trữ bằng đồng USD, euro và các đồng tiền mạnh khác của Ngân hàng trung ương Nga nhằm gây sức ép lên đồng ruble và khiến người dân cũng như các công ty lo ngại về khả năng tiếp cận các khoản tiết kiệm bằng ngoại tệ.
Cũng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, theo phóng viên TTXVN tại Nga, Chủ tịch Ủy ban tài chính và ngân sách Quốc hội Gruzia Irakli Kovzanadze ngày 25/3 cho biết Tbilisi nhiều khả năng thiệt hại 1,0 -1,2 tỷ USD Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6%.
Phát biểu với kênh truyền hình TV Pirveli, ông Kovzanadze nói: “Nga và Ukraine là các đối tác thương mại chính của chúng ta. Nga đứng thứ hai, và Ukraine đứng thứ năm hoặc thứ sáu.”
Quan chức Quốc hội Gruzia cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không chỉ làm giảm xuất khẩu mà còn tác động tiêu cực đến thu nhập từ du lịch và lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về.
GDP của Grudia đã tăng tới 10,6% trong năm 2021, khi nước này phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính GDP của Grudia đạt khoảng 18 tỷ USD trong năm ngoái./.