Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/4 đã ký sắc lệnh yêu cầu thiết lập quy định đặc biệt về hoạt động đi lại của người dân cũng như các phương tiện giao thông trên cả nước nhằm ngăn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Sắc lệnh yêu cầu chính quyền các khu vực đưa ra quy định đặc biệt, cũng như đảm bảo thực hiện các biện pháp hạn chế khác để ngăn chặn dịch COVID-19. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các phương tiện giao thông vận tải liên vùng.
Trước đó, Tổng thống Putin đã thông báo kéo dài thời hạn “ngày không làm việc” cho tới ngày 30/4 để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
[Tổng thống Nga quyết định kéo dài ngày không làm việc đến ngày 30/4]
Ông Putin khẳng định các biện pháp giãn cách xã hội có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu tình hình cho phép.
Cùng ngày, Nga công bố sắc lệnh mới của chính phủ về thiết lập hạn ngạch xuất khẩu một số loại ngũ cốc cho đến cuối tháng 6 tới. Đề xuất do Bộ Nông nghiệp Nga đưa ra tháng trước.
Nga hiện là nhà xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2018-2019, Nga đã xuất khẩu hơn 35 triệu tấn lúa mỳ và 43,3 triệu tấn ngũ cốc.
Lệnh hạn chế mới của Nga có hiệu lực từ ngày 1/4 vừa qua và được áp dụng đối với các mặt hàng lúa mỳ, ngô, lúa mạch và lúa mạch đen. Theo đó, chỉ được xuất khẩu ở mức 7 triệu tấn.
Lệnh mới không áp dụng với các loại hạt giống. Xuất khẩu sang các nước có liên minh hải quan với Nga như Kazakhstan và Belarus không bị hạn chế.
Theo sắc lệnh do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký, những mặt hàng ngũ cốc được quy định giới hạn xuất khẩu rất quan trọng đối với thị trường nội địa.
Trong ngày 2/4, Nga đã ghi nhận thêm 771 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 3.548 ca, với 30 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm tập trung tại thủ đô Moskva với 2.475 ca.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cam kết sẽ tăng mạnh số trường hợp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh Anh đã hai ngày liên tiếp ghi nhận hơn 500 ca tử vong mỗi ngày.
Theo ông Johnson, xét nghiệm là cách ứng phó hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Chính phủ Anh hiện đang chịu áp lực triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng, đặc biệt là đối với những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.
Thủ tướng Johnson đang tự cách ly tại dinh thự ở phố Downing, sau khi ngày 27/3 vừa qua thông báo ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này.
Người phát ngôn của Thủ tướng cho biết Thủ tướng Johnson vẫn đang có triệu chứng nhiễm nhẹ và ông sẽ tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo y tế và khoa học.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết đến nay đã có 5.000 trong tổng số 500.000 nhân viên của Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) của nước này được xét nghiệm, đồng thời đặt mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm/ngày trong những tuần tới.
Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân như Amazon và Boots để đẩy nhanh việc sản xuất dụng cụ xét nghiệm.
Tại Thụy Điển, thủ đô Stockholm đã lên kế hoạch mở bệnh viện dã chiến đầu tiên vào cuối tuần này. Bệnh viện được dựng lên tại trung tâm triển lãm lớn ở khu ngoại ô phía Nam Alvsjo, với sức chứa ban đầu là 140 bệnh nhân và có thể tăng lên ít nhất 600 bệnh nhân.
Đến nay Thụy Điển đã ghi nhận tổng cộng 5.466 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 282 ca tử vong do COVID-19. Con số nhiễm thực tế được cho là có thể cao hơn do chỉ những trường hợp nghiêm trọng và các nhân viên y tế được xét nghiệm.
Riêng thủ đô Stockholm đã ghi nhận 179 ca tử vong do COVID-19, trong khi 143 người vẫn đang được điều trị tích cực và 572 đang được điều trị bình thường tại các bệnh viện.
So với nhiều nước châu Âu khác, Thụy Điển có các biện pháp nhẹ hơn trong phòng chống dịch COVID-19. Chính phủ Thụy Điển chưa ban bố lệnh phong tỏa. Các trường học, quán cà phê, nhà hàng trên cả nước vẫn mở cửa.
Thay vào đó, chính phủ kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội và làm việc tại nhà nếu có thể, những người trên 70 tuổi và các nhóm có nguy cơ cao tự cách ly, cấm tụ tập hơn 50 người và cấm tới thăm các viện dưỡng lão./.