Nga, EU phản ứng về Mỹ áp biện pháp trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty tham gia dự án sẽ cản trở các quốc gia khác phát triển nền kinh tế của mình.
Nga, EU phản ứng về Mỹ áp biện pháp trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin thuộc Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/12, Bộ Ngoại giao Nga phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty tham gia dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới Đức hay còn gọi là "Dòng chảy Phương Bắc 2."

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty tham gia dự án sẽ cản trở các quốc gia khác phát triển nền kinh tế của mình.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Washington vì đưa ra một "ý thức hệ" làm tổn hại tới môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, ông Konstantin Kosachev ngày 21/12 khẳng định với hãng thông tấn RIA rằng Nga phải tiếp tục kế hoạch hoàn tất việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" tới châu Âu, sau khi việc đặt đường ống bị hoãn do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Kosachev đã đưa ra tuyên bố trên sau khi Công ty Allseas liên doanh Thụy Sĩ-Hà Lan cho biết, công ty này đã đình chỉ hoạt động đặt ống để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, có trong luật được Tổng thống Donald Trump ký hôm 20/12.

Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angel Merkel nêu rõ Chính phủ nước này phản đối những biện pháp trừng phạt theo kiểu "ngoài lãnh thổ" mà Mỹ mới phê chuẩn.

Berlin cho rằng những biện pháp này nhằm vào các công ty Đức và châu Âu và là sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của khu vực này.

[Nga-Ukraine đạt thỏa thuận tiếp tục vận chuyển khí đốt tới châu Âu]

Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Người phát ngôn EU cho biết về nguyên tắc, EU phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của khối này đang làm ăn kinh doanh hợp pháp.

Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang phân tích những tác động có thể từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Người phát ngôn này cũng cho biết mục tiêu của EC là đảm bảo dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" vận hành một cách minh bạch, không phân biệt, với mức độ giám sát hợp lý.

Người phát ngôn này cũng lưu ý các quy định của EU với các đường ống dẫn khí đốt về Khối, có hiệu lực từ tháng Năm vừa qua, đã được phía Mỹ công nhận.

Động thái trên của Mỹ đã gây phẫn nộ cho Nga và EU. Các nước này cho rằng họ phải được tự quyết định chính sách năng lượng của mình.

Trước đó, sáng 21/12 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2."

Đối tượng của lệnh trừng phạt là các công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2" qua lòng biển Baltic.

Nga, EU phản ứng về Mỹ áp biện pháp trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 2 Công nhân kiểm tra các thiết bị của hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dashava ở Striy, ngoại ô Lviv, Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dự án này trị giá 11 tỷ USD và dự kiến tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Mỹ cho rằng việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga sang Tây Âu sẽ khiến các nước ở khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào Moskva, từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại châu Âu.

Ngày 17/12 vừa qua, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đều đã bỏ phiếu thông qua việc cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Dự luật trên yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong vòng 60 ngày phải thảo một báo cáo, trong đó nêu đầy đủ tên của các công ty và cá nhân liên quan đến dự án xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" và "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" - một đường ống khác từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ cấp cho các nhà thầu.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được phê chuẩn chỉ vài ngày sau khi EU làm trung gian cho thỏa thuận giữa Nga và Ukraine về vấn đề trung chuyển khí đốt tới châu Âu trước hạn chót Năm mới 2020.

Nga và Ukraine cung cấp khoảng 18% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho EU, càng tạo thêm áp lực cho các quan chức EU phải làm trung gian cho thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục