Nga, Đức thảo luận khả năng hợp tác sản xuất vắcxin ngừa COVID-19

Điện Kremlin nêu rõ các vấn đề hợp tác trong việc chống lại đại dịch COVID-19 đã được thảo luận, trong đó tập trung vào triển vọng cùng sản xuất vắcxin ngừa COVID-19.
Nga, Đức thảo luận khả năng hợp tác sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 5/1, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm, thảo luận khả năng hợp tác sản xuất vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong tuyên bố, Điện Kremlin nêu rõ: “Các vấn đề hợp tác trong việc chống lại đại dịch COVID-19 đã được thảo luận," trong đó tập trung vào triển vọng cùng sản xuất vắcxin ngừa COVID-19.

Hồi tháng 12/2020, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko và người đồng cấp Đức Jens Spahn cũng đã có cuộc điện đàm về vắcxin ngừa COVID-19. Người đứng đầu Bộ Y tế Đức bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Nga để sản xuất vắcxin của Nga ở châu Âu.

Đức để ngỏ khả năng kéo dài lệnh phong tỏa

Thủ tướng Angela Merkel cùng thủ hiến của 16 bang và lãnh đạo các chính quyền địa phương họp trực tuyến ngày 5/1 thảo luận kế hoạch kéo dài lệnh phong tỏa, trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 tại nền kinh tế số một châu Âu vẫn gia tăng bất chấp các biện pháp siết chặt trong kỳ nghỉ lễ.

Lệnh phong tỏa hiện nay dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 10/1 tới và nhiều khả năng sẽ được gia hạn đến cuối tháng này.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đánh giá cần thiết phải gia hạn các biện pháp siết chặt do tình trạng số ca lây nhiễm mới vẫn ở mức cao. Ông Michael Kretschmer, Thủ hiến bang Saxony, địa phương ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao nhất nước Đức, cho biết việc tiếp tục phải đóng cửa là điều khó tránh khỏi.

Ngày 30/12 vừa qua, số ca tử vong trong ngày tại Đức đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày, đe dọa nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vốn cướp đi sinh mạng của 35.632người tại nước này và khiến 1.796.216 người mắc bệnh.

So với các nước láng giềng, Đức, quốc gia đông dân nhất trong EU, đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trong làn sóng đầu tiên của dịch COVID-19, với số ca tử vong thấp hơn so với các nước như Italy, Pháp và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cho rằng sự thỏa mãn với kết quả đạt được và thái độ không sẵn sàng thực hiện biện pháp gắt gao nhất như lệnh giới nghiêm đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong mùa Thu vừa qua.

Trong các cuộc họp kể từ tháng 10/2020, Thủ tướng Merkel và lãnh đạo các vùng thường bất đồng về chính sách phòng dịch. Trong khi người đứng đầu chính phủ chủ trương thúc đẩy biện pháp cứng rắn, một số bang đưa ra các biện pháp mềm mỏng hơn.

Cảnh báo quá tải tại các hệ thống y tế ở Ireland và Anh

Ngày 4/1, quan chức y tế hàng đầu của Ireland cảnh báo các bệnh viện nước này sẽ không thể chống chọi với "thảm kịch" trong bối cảnh làn sóng bùng phát dịch COVID-19 đang diễn biến rất nhanh và sẽ phải hủy mọi quy trình không khẩn cấp trong tuần này để có thêm nhiều không gian chăm sóc tích cực nhất có thể dành cho bệnh nhân COVID-19.

Hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Ireland tăng khoảng 20% mỗi ngày và số bệnh nhân được điều trị có thể vượt mức ghi nhận trong thời kỳ đỉnh điểm của đợt bùng phát thứ nhất chỉ trong một hoặc hai ngày tới. Số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tại Ireland đã lên mức 776 ngày 4/1, trong đó có 73 ca cần chăm sóc tích cực (ICU).

Giám đốc cơ quan dịch vụ y tế Ireland Paul Reid cho biết theo đà này, tổng số ca mắc COVID-19 nhập viện tại Ireland sẽ lên mức 2.500 ca trong tháng này, với từ 250-430 bệnh nhân nặng. Các bệnh viện công có thể nâng số giường bệnh ICU lên mức 375 và cơ quan này vẫn đang nỗ lực điều phối để có thêm các giường ICU ở các bệnh viện tư.

Cũng theo ông Reid, dịch vụ y tế có thể sẽ ghi nhận khoảng 7.000 ca mới mỗi ngày trong những ngày tới sau khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng lên mức 25% trong cuối tuần qua.

Trong tháng 12 vừa qua, Ireland đã khởi động trở lại hầu hết lĩnh vực y tế nhờ liên tục duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất tại châu Âu trong suốt thời gian trước đó. Tuy nhiên, trong hai tuần qua, tỷ lệ các ca mắc COVID-19 trên 100.000 người đã tăng gần gấp 5 lên mức 583 ca.

Giới phân tích cho rằng con số thực tế có thể từ 700-800 ca, vượt mức đỉnh 600 ca ghi nhận hồi tháng Tư. Hồi tuần trước, giới chức y tế Ireland cũng cảnh báo tỷ lệ mắc bệnh tại nước này hiện đang tăng nhanh nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và đây là thời điểm đáng lo ngại nhất kể từ khi dịch xuất hiện tại quốc gia này.

[Dịch COVID-19: Anh tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục]

Cũng trong ngày 4/1, các quan chức y tế hàng đầu của Anh cảnh báo nguy cơ hiện hữu hệ thống y tế ở một số vùng của nước này sẽ bị quá tải vì đại dịch COVID-19 trong 21 ngày tới nếu không có các biện pháp mới để khống chế dịch bệnh.

Trong tuyên bố chung, các quan chức y tế hàng đầu của bốn xứ gồm England, Scotland, Wales và Bắc Ireland khuyến nghị Anh nâng mức cảnh báo dịch bệnh từ mức 4 lên mức 5.

Nga, Đức thảo luận khả năng hợp tác sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 2Một nhà hát tại trung tâm thủ đô London, Anh đóng cửa trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tính trên cả nước, Anh ghi nhận 58.784 ca mắc mới trong ngày 4/1 và số ca mắc trong bảy ngày qua tăng 50% so với tuần trước, theo đó nâng tổng số ca mắc tại đây lên khoảng 2,7 triệu ca với 75.431 ca tử vong.

Thủ tướng Boris Johnson tối 4/1 tuyên bố xứ England, chiếm phần lớn dân số Vương quốc Anh, sẽ bước vào đợt phong tỏa sáu tuần nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Theo đó, kể từ tối 4/1, tất cả mọi người đều bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài một lần trong ngày để tập thể dục ngoài trời, hoặc đi mua các nhu yếu phẩm.

Đa số công ty vừa và nhỏ tại Ba Lan áp dụng mô hình làm việc từ xa

Cùng ngày, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày càng nhiều công ty vừa và nhỏ tại Ba Lan áp dụng mô hình làm việc từ xa.

Đài Phát thanh Ba Lan ngày 4/1 dẫn số liệu của Cơ quan đăng ký nợ quốc gia nước này (KRD) cho biết, đến nay có gần 80% công ty vừa và nhỏ tại Ba Lan tổ chức công việc theo mô hình làm việc từ xa, tăng khoảng 35% so với cách đây hai tháng. Trong đó, mô hình làm việc phổ biến nhất là kết hợp giữa làm việc tại văn phòng (75%) và làm việc từ xa (25 %).

Việc tổ chức làm việc từ xa nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời cũng giúp chủ sở hữu lao động tiết kiệm chi phí. Hiện 20% các công ty vừa và nhỏ tại Ba Lan có kế hoạch sử dụng các khoản tiền tiết kiệm từ việc thuê văn phòng hoặc từ các chuyến công tác của nhân viên để đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị công nghệ.

[Nhiều nước lên kế hoạch tiêm đại trà vắcxin phòng dịch COVID-19]

Tính đến nay, Ba Lan đã ghi nhận hơn 1,3 triệu ca nhiễm mới và hơn 29.000 trường hợp tử vong. Hiện có hơn 17.000 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện, trong đó hơn 1.600 bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng.

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 28/12, Chính phủ Ba Lan đã áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn có hiệu lực trong ba tuần, theo đó yêu cầu đóng cửa các trung tâm thương mại, các khu trượt tuyết, hộp đêm, hồ bơi, phòng tập thể thao. Những người đến từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) bắt buộc phải cách ly 10 ngày.

Trung Quốc tăng cường năng lực sản xuất vắcxin

Cùng ngày, Thứ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) Vương Giang Bình cho biết bộ này đã thúc đẩy hợp tác chuỗi công nghiệp để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa vắcxin COVID-19 và mở rộng năng lực sản xuất để đảm bảo nguồn cung vắcxin.

Ông Vương Giang Bình cho biết năng lực sản xuất vắcxin của nước này sẽ dần được tăng cường, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn của vắcxin. Các kế hoạch sản xuất sẽ được bố trí hợp lý để tối đa hóa tiềm năng sản xuất và đảm bảo nguồn cung vắcxin.

Nga, Đức thảo luận khả năng hợp tác sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 3Nhân viên y tế tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

MIIT đã thành lập nhóm làm việc đặc biệt để theo dõi và điều phối việc sản xuất vắcxin giữa các nhà sản xuất chính hằng tuần. Để đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định cho việc sản xuất vắcxin, Trung Quốc cũng tăng cường nỗ lực nhằm đạt được những bước đột phá trong sản xuất nguyên liệu chính.

Thống kê cho thấy Trung Quốc có 18 doanh nghiệp sản xuất vắcxin COVID-19 và việc cải thiện hơn nữa năng lực sản xuất vắcxin sẽ cho phép Trung Quốc đáp ứng nhu cầu tiêm chủng lớn của nước này.

Triều Tiên đề nghị Gavi cung cấp vắcxin ngừa COVID-19

Trong khi đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết Triều Tiên đã đề nghị Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (Gavi) cung cấp vắcxin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, đại diện của Gavi không bình luận về thông tin trên.

Theo một bài viết trên báo Wall Street Journal, trong những tuần gần đây, Triều Tiên đã tiếp cận với một số nước châu Âu, hỏi về cách thức mua vắcxin.

Triều Tiên thông báo cho đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi đầu năm 2020, Triều Tiên đã đóng cửa hoàn toàn biên giới của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục