Một ủy ban khoa học của Nga sẽ tiến hành điều tra về tình trạng ô nhiễm phóng xạ cao gấp 1.000 lần mức bình thường ở miền nam Urals của nước này. Thông báo được đưa ra sau khi chính quyền Nga bác bỏ việc đã xảy ra "sự cố hạt nhân" tại các cơ sở hạt nhân trong nước.
Trong các tuyên bố ngày 24/11, Công ty hạt nhân nhà nước Nga Rosatom và Viện An toàn hạt nhân Nga (NSI) cho biết các nhà khoa học hạt nhân đã thành lập một ủy ban để tìm hiểu nguồn gốc của lượng chất ruthenium-106 (Ru-106).
Ủy ban trên sẽ gồm các đại diện các tổ chức khoa học Nga và châu Âu. Rosatom sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho ủy ban này và sẽ thông tin tới công chúng kết quả điều tra.
[Nga phát hiện nồng độ phóng xạ vượt mức cho phép tại phía Nam Urals]
Trước đó, ngày 20/11, Cơ quan Khí tượng Nga cho biết một trạm quan sát khí tượng gần cơ sở hạt nhân Mayak ở vùng Chelyabinsk đã phát hiện tình trạng "ô nhiễm cực cao" chất đồng vị phóng xạ Ru-106 trong các lần kiểm tra cuối tháng 9. Loại chất đồng vị phóng xạ này tạo ra từ quá trình phân tách nguyên tử trong một lò phản ứng hạt nhân và không diễn ra một cách tự nhiên.
Sau thông tin trên, Rosatom khẳng định "không có sự cố nào" tại các cơ sở hạt nhân của Nga và sự tập trung loại chất phóng xạ trên tiềm ẩn mối đe dọa không đáng kể. Cơ quan an toàn nông nghiệp Nga Rosselkhoznadzor ngày 24/11 cũng bác bỏ nguy cơ đất trong khu vực nhiễm phóng xạ.
Trong khi đó, cơ sở hạ nhân Mayak ở Urals, trực thuộc Rosatom, khẳng định cái gọi là "nhiễm phóng xạ" nói trên "không liên quan đến các hoạt động tại Mayak." Cơ sở này chuyên tái chế nhiên liệu hạt nhân, vì vậy nhiều năm nay không hề tạo ra chất Ru-106.
Được biết Mayak là nơi từng xảy ra một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, khi một xe container chở chất thải phóng xạ nổ tung năm 1957, khiến gần 13.000 người phải sơ tán khỏi vùng này./.