Nga đề xuất đàm phán với Ukraine bên lề Hội nghị cấp cao nghị viện G20

Theo Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, Nga đã nhiều lần đề xuất đàm phán về giải quyết khủng hoảng ở Ukraine, và các thỏa thuận trên thực tế đã đạt được, nhưng Ukraine đã từ chối những thỏa thuận này.
Nga đề xuất đàm phán với Ukraine bên lề Hội nghị cấp cao nghị viện G20 ảnh 1Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, bà Valentina Matviyenko ngày 6/10 đã đề xuất đàm phán với phái đoàn Quốc hội Ukraine bên lề Hội nghị cấp cao nghị viện Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia.

Bà Matviyenko nhấn mạnh Nga đã nhiều lần đề xuất đàm phán về giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và các thỏa thuận trên thực tế đã đạt được, nhưng Ukraine khi đó đã từ chối những thỏa thuận này.

Bà nhắc lại Nga ủng hộ đàm phán, ủng hộ đối thoại cũng như 1 giải pháp chính trị hòa bình. Tuy nhiên, bà Matviyenko cho biết hiện phía Ukraine chưa phản hồi về đề xuất trên của Nga.

Phản ứng trước việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 8 đối với Nga, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moskva sẽ đánh giá về mặt pháp lý và xây dựng kế hoạch hành động sau khi có văn bản chính thức, đặc biệt là biện pháp áp mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

[Nga khẳng định không từ chối các cuộc đàm phán với Ukraine]

Trong khi đó, phát biểu trực tuyến tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế diễn ra ngày 6/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng sức ép của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ chỉ ngày càng tăng lên do đó nền kinh tế nước này cần có kế hoạch ứng phó linh hoạt và hiệu quả với tình hình cả trong ngắn hạn và trung hạn, đồng thời phải được thực hiện nhất quán.

Tổng thống Putin cũng chỉ thị chính phủ và Ngân hàng trung ương bảo đảm sự phục hồi bền vững của động lực thúc đẩy kinh tế vĩ mô của Nga.

Trước đó, ngày 6/10, EU đã áp đặt gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, trong đó mở rộng các lệnh cấm đối với thương mại và các cá nhân của nước này.

Trong gói biện pháp này, EU sẽ áp đặt giá trần với dầu mỏ của Nga, tuy nhiên giới chức EU cho biết cần thảo luận nhiều chi tiết trong khuôn khổ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU trước khi việc áp giá trần đối với việc vận chuyển bằng đường biển dầu mỏ của Nga đến các nước thứ 3 có hiệu lực. Hiện nhiều chi tiết vẫn chưa được thống nhất, trong đó có cơ chế định giá thực tế.

Điều này có nghĩa quyết định của EU mới chỉ là bước đi đầu tiên hướng đến áp giá trần, chứ không phải đã áp đặt trên thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục