Nga đệ trình Hội đồng Bảo an dự thảo nghị quyết về Ukraine

Dự thảo nghị quyết của Nga yêu cầu chính quyền Ukraine ngay lập tức phải tiến hành tham vấn với lực lượng đòi độc lập tại miền Đông nước này về các cuộc bầu cử tại khu vực Donbass.
Nga đệ trình Hội đồng Bảo an dự thảo nghị quyết về Ukraine ảnh 1OSCE kiểm tra xe bọc thép của lực lượng ly khai Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/3, Nga đã đệ trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết yêu cầu chính quyền Ukraine ngay lập tức phải tiến hành tham vấn với lực lượng đòi độc lập tại miền Đông nước này về các cuộc bầu cử tại khu vực Donbass.

Dự thảo nghị quyết của Nga viện dẫn Thỏa thuận hòa bình tại Minsk tháng Hai vừa qua, theo đó, trước hết cần tiến hành cải cách Hiến pháp Ukraine với sự tham gia của đại diện các Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Donetsk tự xưng, sau đó luật bầu cử cũng phải được soạn thảo với sự tham gia của đại diện hai cộng hòa tự xưng này.

Nga đệ trình văn kiện này ngay sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 18/3 ký ban hành đạo luật sửa đổi, cấp quy chế đặc biệt tự quản cho một số khu vực thuộc tỉnh Donetsk và Lugansk với điều kiện tại đây phải tổ chức bầu cử theo luật của Ukraine. Ngoài ra, hai nước Cộng hòa tự xưng được coi là "các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm."

Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine ngay lập tức lên tiếng phản đối đạo luật này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ quan ngại việc chính quyền Ukraine coi Lugansk và Donetsk là vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Ông nhấn mạnh điều này đi ngược lại Thỏa thuận Minsk và có thể phá vỡ tiến trình hòa bình, dẫn tới một vòng xoáy bất ổn mới tại khu vực Đông Nam Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, phản ứng trước việc Ukraine đề nghị EU triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình tới miền Đông, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho rằng đề nghị của chính quyền Ukraine đi ngược với thỏa thuận hòa bình Minsk (Belarus).

Theo ông, trong thỏa thuận Minsk đạt được giữa nhóm bộ Tứ Normandy (gồm lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Pháp, Đức) không có từ nào đề cập đến việc triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình đến miền Đông Ukraine mà chỉ đề cập đến việc tiếp tục hoạt động của phái bộ của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Cùng ngày, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Denis Pushilin cho rằng việc triển khai bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào đến miền Đông Ukraine là vi phạm kế hoạch hòa bình và đi ngược với các điều khoản của Thỏa thuận Minsk./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục