Nga cung cấp 300 triệu liều vắcxin COVID-19 cho Liên minh châu Phi

Giám đốc cơ quan ứng phó dịch bệnh của AU hoan nghênh đề nghị của Nga, đồng thời khẳng định các đối tác đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những nỗ lực của châu Phi đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Nga cung cấp 300 triệu liều vắcxin COVID-19 cho Liên minh châu Phi ảnh 1Vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/2, đơn vị chuyên trách vắcxin của Liên minh châu Phi (AU) thông báo Nga đã đề nghị cung cấp cho châu lục này 300 triệu liều vắcxin phòng COVID-19, trong đó có cả một gói hỗ trợ tài chính cho những quốc gia muốn đặt mua vắcxin Sputnik V.

Thông báo nêu rõ vắcxin Sputnik V sẽ được cung cấp cho các nước châu Phi trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 5/2021. Thông báo dẫn lời Giám đốc cơ quan ứng phó dịch bệnh của AU, ông John Nkengasong, hoan nghênh đề nghị của Nga, đồng thời khẳng định các đối tác đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những nỗ lực của châu Phi đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Trước đó, AU thông báo đã đặt mua 270 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson, bàn giao trong năm nay.

Tính tới nay, mới có khoảng 10 quốc gia châu Phi bắt đầu triển khai tiêm chủng, chậm hơn nhiều so với những quốc gia giàu có hơn đã thực hiện các chiến dịch chủng ngừa nhanh lẹ.

[Các nước giàu dự trữ lượng vắcxin nhiều hơn 1 tỷ liều so với nhu cầu]

Cũng trong ngày 19/2, một nguồn tin châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng gấp đôi quỹ ủng hộ cơ chế phân phối vắcxin công bằng COVAX do Liên hợp quốc khởi xướng nhằm đảm bảo vắcxin phòng bệnh COVID-19 đến được các quốc gia nghèo hơn.

Nguồn tin này cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) do Anh tổ chức vào ngày 19/2, các lãnh đạo EU sẽ công bố kế hoạch tăng quỹ ủng hộ COVAX lên 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) và cam kết tăng thêm 100 triệu euro ủng hộ cuộc chiến chống COVID-19 tại châu Phi.

Hiện các quốc gia lớn trên thế giới đang hướng tới tăng cường các biện pháp hỗ trợ các nước nghèo hơn trong bối cảnh ngày càng nhiều lời cáo buộc rằng các nước giàu có đang tích trữ vắcxin phòng bệnh, gián tiếp khiến các chương trình tiêm chủng ở những nước còn lại bị chậm trễ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ cam kết 4 tỷ USD để hỗ trợ COVAX trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của G7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục