"Nga có thế lực đáng gờm, kho vũ khí chiến lược của phương Tây cạn kiệt"

Chuyên gia lưu ý: “Trong mọi trường hợp, Nga sẽ vẫn là một cường quốc hạt nhân, trong khi phương Tây - đặc biệt là Mỹ - đã làm cho kho vũ khí chiến lược của mình suy giảm đến mức cạn kiệt.”

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Krasnoyarsk của Nga tại lễ ra mắt ở Severodvinsk hồi cuối năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Krasnoyarsk của Nga tại lễ ra mắt ở Severodvinsk hồi cuối năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Sputnik, trong bài báo đăng trên Tạp chí The National Interest, Giáo sư nhân văn Russell Berman của Đại học Stanford nhận định sau khi xung đột Ukraine kết thúc, Nga sẽ đại diện cho một thế lực đáng gờm trên trường thế giới, vì kho vũ khí chiến lược của các nước phương Tây trên thực tế đã cạn kiệt.

Chuyên gia Berman lưu ý: “Trong mọi trường hợp, Nga sẽ vẫn là một cường quốc hạt nhân, trong khi phương Tây - đặc biệt là Mỹ - đã làm cho kho vũ khí chiến lược của mình suy giảm đến mức cạn kiệt”.

Chuyên gia này đánh giá việc liên minh giữa Nga với Trung Quốc, Triều Tiên và Iran sẽ có lợi cho Moskva. Trong khi đó, lúc này, tiềm lực quân sự của Mỹ đang dần suy giảm.

Trước đó không lâu, nhà báo Ireland Chey Bowes đã cảnh báo khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn cầu do kho vũ khí tiên tiến của Nga là "rất đáng sợ." Ông lưu ý rằng "Nga ngày nay có kho vũ khí tiên tiến nhất hành tinh."

Trước đó, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politika của Serbia ngày 22/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết nước này kỳ vọng Mỹ sẽ chú ý tới những tín hiệu răn đe từ việc Moskva đang xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình.

Ông Ryabkov nhấn mạnh: "Răn đe hạt nhân cổ điển đã lung lay, đòi hỏi chúng tôi phải sửa đổi học thuyết hạt nhân. Chúng tôi hy vọng Washington, các quốc gia thành viên NATO khác và các nhà hoạch định quân sự ở Brussels sẽ nắm bắt được các tín hiệu răn đe từ công việc của chúng tôi."

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, việc xem xét lại các nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân dựa trên kinh nghiệm từ chiến dịch quân sự đặc biệt và tất cả những gì "liên quan đến sự hỗ trợ tràn lan của các nước phương Tây dành cho chính quyền Kiev."

Ông Ryabkov tuyên bố: "Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, nhưng sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công không ngừng vào các vấn đề an ninh cơ bản của Nga và người dân Nga."

Hôm 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố một số thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga tại một cuộc họp định kỳ của Hội đồng An ninh.

Đáng chú ý học thuyết sửa đổi quy định Nga sẽ coi việc một cường quốc hạt nhân hỗ trợ một quốc gia phi hạt nhân đang có chiến tranh với Nga là một cuộc tấn công, và cho phép Moskva đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công vào đồng minh Belarus.

Học thuyết sửa đổi cũng mở rộng phạm vi các quốc gia và liên minh quân sự chịu sự răn đe hạt nhân, cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà sự răn đe đó hướng tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục