Ngày 25/9, Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin đã yêu cầu người lớn tuổi ở trong nhà và đề nghị giới chủ cho nhân viên làm việc ở nhà trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở thành phố này tăng mạnh.
Thị trưởng Sobyanin cảnh báo rằng việc đồng thời cảm lạnh và nhiễm COVID-19 khi mùa Đông đang tới rất nguy hiểm đối với người cao tuổi và những người thể trạng yếu. Vì vậy, ông yêu cầu từ ngày 28/9, người từ 65 tuổi trở lên nên ở nhà, hạn chế đi ra ngoài.
Theo Thị trưởng Sobyanin, những người trong nhóm rủi ro cao này nên làm việc ở nhà hay đi nghỉ nếu có thể, đồng thời khuyến khích hình thức việc làm việc tại nhà.
[Anh và Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao nhất]
Ông cũng kêu gọi người dân đeo khẩu trang và đi găng tay khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hay khi đi mua sắm, một quy định đã có hiệu lực nhưng không được tuân thủ nghiêm túc.
Hiện Nga đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày gần đây, nhất là ở thủ đô Moskva, nơi có số ca nhiễm cao nhất kể từ cuối tháng 6.
Cụ thể, Moskva ngày 24/9 ghi nhận 1.050 ca nhiễm mới, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ ngày 23/6. Trên phạm vi toàn lãnh thổ, trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 7.212 ca nhiễm mới và 108 người tử vong do COVID-19, cao nhất từ ngày 23/6.
Theo trang mạng worldometers.info, tính đến thời điểm hiện tại, Nga có tổng cộng 1.128.836 ca mắc COVID-19, trong đó có 19.948 ca tử vong. Hiện Nga là nước có số ca nhiễm cao thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Không chỉ có Nga, một số nước khác ở châu Âu cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những tuần gần đây.
Ngày 25/9, Bộ Y tế Cộng hòa Séc thông báo nước này ghi nhận thêm 2.913 ca nhiễm mới, mức cao thứ hai theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 58.374 ca.
Cùng ngày, Viện Robert Koch (RKI) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, cho biết nước này có thêm 2.153 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 280.223 ca, trong đó có 9.443 ca tử vong sau khi có thêm 15 ca tử vong mới.
Trước đó, ngày 21/9, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận định nước này cần đẩy mạnh và tăng cường thêm các kế hoạch đối phó đại dịch COVID-19 khi mùa Đông đang đến gần.
Ông nhận định Đức có thể đối phó đại dịch tốt hơn bằng cách thiết lập thêm các "phòng khám ngoại trú" tại các khu vực và địa phương, nơi mà các bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng hô hấp phổ biến của bệnh cúm hoặc COVID-19 có thể đến khám.
Mục đích của những phòng khám này là giúp người bệnh có thể được xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân bệnh họ mắc phải, và đây cũng là nơi họ được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt để không lây lan bệnh ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Y tế Spahn cũng đề xuất thêm nhiều biện pháp đặc biệt hơn để giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho các nhóm có nguy cơ cao như người già hay những người bị suy giảm miễn dịch.
Theo đó, các xét nghiệm sàng lọc phòng ngừa ở những khu vực "nhạy cảm" như viện dưỡng lão... sẽ trở thành một phần cố định của chiến lược xét nghiệm cho mùa Thu và mùa Đông nhằm ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2./.