Ngày 10/4, hãng thông tấn Nga Itar-tass dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này, cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã làm trầm trọng thêm tình hình tại Ukraine do việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Biển Đen.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu khu trục USS Donald Cook của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống chống tên lửa đạn đạo Aegis đã đến Biển Đen và sẽ cùng hoạt động với tàu trinh sát cỡ lớn Dupuy de Lome của Pháp.
Ngày 14/4 tới, tàu khu trục Dupleix của Hải quân Pháp cũng sẽ đến Biển Đen. Cuối tháng Ba vừa qua, tàu cứu hộ Alice của Hải quân Pháp đã được điều đến khu vực. Đây là lần đầu tiên sau năm 2008, tại Biển Đen gần biên giới với Nga có sự diện diện của các tàu chiến NATO.
Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ các quan chức NATO đã thừa nhận rằng hiện diện của các tàu chiến tại Biển Đen liên quan đến căng thẳng tại Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga đánh giá NATO cử các tàu chiến đến Biển Đen nhằm đạt được các mục tiêu: thể hiện sự ủng hộ về mặt tinh thần đối với Chính phủ lâm thời Ukraine; biểu dương sức mạnh đối với Nga; thu thập thông tin về các hoạt động của Hải quân Nga tại Crimea và tại các căn cứ quân sự khác của Nga gần biên giới với Ukraine.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích NATO áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong vấn đề Ukraine, tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh và ổn định trong khu vực.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ NATO đã lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như mối đe dọa tưởng tượng từ phía Nga để biện hộ cho hành động tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các tuyên bố gần đây của NATO về Nga, đặc biệt là của Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen, đều theo hướng đối đầu, kiểu tái hiện thời "Chiến tranh lạnh."
Trong khi đó, NATO chưa một lần đưa ra một chương trình nghị sự mang tính xây dựng hay quan tâm tới vấn đề bình thường hóa tình hình Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tuân thủ nghiêm Công ước Montreux quy định về số lượng, chủng loại cũng như thời gian lưu trú của các tàu chiến tại khu vực Biển Đen./.