Ngày 27/1, Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng việc Nhật Bản tiếp tục duy trì cơ chế trừng phạt Nga là một trong những trở ngại khiến hai bên không thể ký được hiệp ước hòa bình.
Phát biểu trên kênh truyền hình “Nước Nga-1” trong chương trình “Moskva. Điện Kremlin. Putin," ông Peskov nhấn mạnh: “Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin đưa ra sáng kiến ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản mà không đi kèm điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, điều này không nhận được sự hưởng ứng từ giới chức Nhật Bản. Hiện lập trường của hai bên cũng đang trở nên khác biệt về vấn đề này.”
Hơn nữa, việc Nhật Bản duy trì cơ chế trừng phạt Nga ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc ký hiệp ước hòa bình. Mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản đã nhiều năm nay bị phủ bóng đen do chưa thể ký được hiệp ước hòa bình.
Nguyên nhân chính là do hai bên tránh chấp quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
[Nga-Nhật phê chuẩn lộ trình về các dự án chung trên quần đảo Kuril]
Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Kunashiri (mà Nga gọi là Kunashir); Shikotan (Nga gọi là Shicotan), Etorofu (Nga gọi là Iturup) và Habomai (Nga gọi là Khabomai) viện dẫn Hiệp ước song phương về thương mại và biên giới năm 1855.
Đến năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản ký Tuyên bố chung, trong đó Moskva nhất trí xem xét việc trao trả cho Nhật Bản hai hòn đảo Iturup và Habomai, sau khi ký hiệp ước hòa bình, trong khi số phận các hòn đảo Kunashir, Shikotan không được đề cập đến.
Liên Xô kỳ vọng Tuyên bố chung sẽ đặt dấu chấm hết việc tranh chấp, còn Nhật Bản cho rằng văn kiện này chỉ là một phần của giải pháp vấn đề, không từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với tất cả các hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril.
Các cuộc đàm phán về sau không dẫn đến bất kỳ kết quả nào, do vậy, hiệp ước hòa bình kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai vì thế vẫn chưa được ký kết./.