Ngày 8/7, Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho loại thuốc thứ 3 - Koronavir dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, nhà sản xuất Koronavir, tập đoàn R-Pharm xác nhận họ đã hoàn tất quá trình đăng ký thuốc chữa bệnh COVID-19 ở thể nhẹ và vừa.
Tập đoàn dược phẩm này cho biết Koronavir là một trong những loại thuốc đầu tiên trực tiếp chống virus SARS-CoV-2, song không chữa trị các biến chứng của bệnh COVID-19.
Hiệu quả của thuốc đã được xác nhận trong một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ở những bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ và trung bình. Kết quả cho thấy 55% bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện từ ngày thứ 7 dùng thuốc Koronavir.
Sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký, thuốc sẽ được chuyển đến các địa phương của Nga và sẽ được sử dụng tại các bệnh viện ở Moskva, St. Petersburg, Yaroslav và các thành phố khác.
R-Pharm là tập đoàn sản xuất, nghiên cứu và phát triển các loại thuốc và công nghệ mới.
Trước đó, Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho thuốc Avifavir và Areplivir điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tháng trước, Avifavir đã được đưa vào các phòng khám và tổ chức dược phẩm ở một số khu vực của Liên bang Nga.
Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết các lô thuốc điều trị đầu tiên đã được phân phối cho các tổ chức ở tỉnh Moskva, Leningrad, Novgorod, Kirov, Nizhny Novgorod, Tatarstan và Yekaterinburg.
[EU nỗ lực tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19]
Hiện các nhà khoa học Nga tại Trung tâm Dịch tễ học và vi sinh học mang tên N. Gamalei và các chuyên gia Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cũng đang nghiên cứu một loại vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2.
Các loại vắcxin ngừa COVID-19 cũng đang được phát triển tại Đại học Y 1 Moskva mang tên I. Sechenov.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Liên bang Nga Mikhail Murashko cho biết nước này có 17 loại vắcxin triển vọng ngừa virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossya 1 của Nga, Bộ trưởng Murashko cho hay các chuyên gia chưa có thông tin về khả năng hệ thống miễn dịch của con người hoàn toàn không phản ứng với virus SARS-CoV-2, dù phản ứng miễn dịch có thể yếu hơn khi bị nhiễm virus mà không có triệu chứng lâm sàng.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng mỗi người dân Nga có thể tự quyết định có tiêm vắcxin phòng virus SARS-CoV-2 hay không, việc tiêm phòng sẽ là tự nguyện.
Cũng trong ngày 8/7, Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) thông báo thiết lập một mạng lưới thử nghiệm lâm sàng mới nhằm có thêm nhiều người tình nguyện tham gia thử nghiệm quy mô lớn nhiều loại vắcxin và những kháng thể đơn dòng nhằm phòng ngừa bệnh COVID-19.
Theo NIAID, Mạng lưới Thử nghiệm phòng ngừa bệnh COVID-19 được thiết lập trên cơ sở hợp nhất 4 mạng lưới thử nghiệm lâm sàng do NIAID tài trợ hiện nay, gồm Mạng lưới Thử nghiệm vắcxin HIV có trụ sở tại Seattle, Mạng lưới Thử nghiệm phòng ngừa HIV tại Durham, Hiệp hội Nghiên cứu lâm sàng bệnh truyền nhiễm tại Atlanta và Nhóm Thử nghiệm lâm sàng AIDS tại Los Angeles.
Giới chức y tế Mỹ cho rằng mạng lưới mới này sẽ tận dụng tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có và thu hút sự quan tâm của người dân nhằm bảo đảm có hàng nghìn tình nguyện viên sẵn sàng tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cùng của các loại vắcxin đầy hứa hẹn.
NIAID cho biết mạng lưới mới dự kiến sẽ triển khai hoạt động tại hơn 100 địa điểm thử nghiệm lâm sàng trên khắp nước Mỹ và trên thế giới./.