Theo Reuters, ngày 26/8, trên ứng dụng Telegram, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cho rằng Washington đứng sau vụ bắt giữ Giám đốc điều hành (CEO) và là nhà sáng lập Telegram Pavel Durov tại Pháp.
Không đưa ra bằng chứng, song ông Volodin tuyên bố Mỹ thông qua Pháp đã cố gắng kiểm soát Telegram.
Quan chức này nói: "Telegram là một trong số ít và đồng thời là nền tảng Internet lớn nhất mà Mỹ không có ảnh hưởng. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, điều quan trọng là (Tổng thống Joe) Biden phải kiểm soát được Telegram."
Nhà sáng lập Durov bị bắt giữ tại sân bay Le Bourget ở Paris ngày 24/8.
Tin tức này đã gây hoang mang cho giới công nghệ và tạo hiệu ứng tài chính ngay lập tức.
Đồng tiền điện tử Toncoin, vốn có liên hệ chặt chẽ với Telegram, đã giảm giá 13% sau khi có thông tin về việc bắt giữ ông Durov.
Vụ bắt giữ này là một bất ngờ đối với nhiều người, khi xét đến tầm ảnh hưởng của ông Durov trong ngành công nghệ và mức độ phổ biến của Telegram trên toàn cầu.
Theo tuyên bố từ Cơ quan Công tố Paris, Durov bị tình nghi có liên quan đến một số hành vi phạm tội, bao gồm việc không cung cấp thông tin theo yêu cầu cho chính quyền và quản lý một công cụ được cho là dùng để phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em và buôn bán ma túy./.
CEO của Telegram Pavel Durov đối mặt với 12 cáo buộc hình sự tại Pháp
Ngày 27/8, Công tố viên thủ đô Paris của Pháp, bà Laure Beccuau, thông báo CEO Telegram Pavel Durov bị bắt để điều tra về 12 cáo buộc hình sự.