Ngày 27/6, Phó Giám đốc Trung tâm Phản ứng Mối đe dọa mạng Quốc gia Nga Nikolai Murashov cho rằng hầu hết các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu ở Nga bắt nguồn từ các trung tâm ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Phát biểu tại Cơ quan Thông tin Quốc tế Rossiya Segodnya, ông Murashov cáo buộc: "Các trung tâm kiểm soát ở châu Âu và Mỹ thường xuyên được sử dụng cho các cuộc tấn công nhằm vào các nguồn thông tin Nga."
Ông Murashov đã viện dẫn dữ liệu của các công ty quốc tế cho rằng các thực thể có trụ sở tại Mỹ là nguồn chính của các mối đe dọa mạng như vậy.
Quan chức này nhấn mạnh các phân tích đều cho thấy hầu hết các cuộc tấn công đều nhằm mục đích đánh cắp thông tin liên quan tới các công nghệ của Nga được sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng và công nghiệp hạt nhân, năng lượng, chế tạo tên lửa, cũng như các thông tin từ các mạng lưới chính quyền bang.
[Nga là mục tiêu của các vụ tấn công mạng trong nhiều năm qua]
Tuyên bố trên được đưa ra gần 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ các thông tin về sự gia tăng số vụ tấn công mạng của Mỹ nhằm vào Nga được tờ New York Times công bố ngày 15/6 vừa qua.
Theo đó, báo này dẫn lời các quan chức chính phủ đương chức và đã nghỉ hưu của Mỹ cho biết Washington đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công mạng và cài mã độc nhằm vào mạng lưới điện của Nga như một lời cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông chủ Nhà Trắng đã chỉ trích tờ báo này có "hành động phản quốc thực sự" vì đăng bài biết "sai sự thật" trên.
Hồi năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật ủy quyền quốc phòng. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể ủy quyền các chiến dịch mật trên không gian mạng mà không cần sự phê chuẩn của Tổng thống.
Cũng trong năm này, Tổng thống Trump đã cho phép Bộ Chỉ huy không gian mạng trực thuộc Lầu Năm Góc tiến hành các chiến dịch mà không cần thông qua ông./.