Hãng tin Interfax dẫn lời một bộ trưởng trong Chính phủ Nga ngày 25/3 cho biết Trung tâm Chumakov của nước này đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba đối với vaccine có tên CoviVac - loại vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Nga.
CoviVac cùng với EpiVacCorona và Sputnik V là ba loại vaccine ngừa COVID-19 do Nga sản xuất và đã cấp phép lưu hành khẩn cấp, nhưng Sputnik V là vaccine được biết đến nhiều nhất.
Cùng ngày, Bộ Y tế Belarus cho biết nước này đã bắt đầu sản xuất số lượng lớn vaccine Sputnik V của Nga và lên kế hoạch sản xuất lên tới 500.000 liều/tháng.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia cho biết tính đến ngày 24/3, nước này đã phân phối được 85,86 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 ở trong nước, tăng khoảng 3 triệu liều so với ngày trước đó.
Không chỉ ở trong nước, các loại vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất hiện đã được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, hiện Singapore vẫn chưa phê duyệt vaccine của hãng Sinovac của Trung Quốc.
[Singapore mở rộng tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 45-60 tuổi]
Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết lý do khiến Singapore tới nay vẫn chưa cấp phép sử dụng vaccine của hãng Sinovac vì công ty này chưa cung cấp đủ dữ liệu để cơ quan có thẩm quyền của Singapore đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả.
Phát biểu tại buổi họp báo chiều 24/3, Bộ trưởng Gan Kim Yong cho biết Singapore đã nhận 200.000 liều vaccine của hãng Sinovac từ cuối tháng Hai vừa qua theo thỏa thuận mà hai bên đã ký kết, nhưng lại chưa cấp phép lưu hành cho loại vaccine này.
Thực tế, Singapore đã ký thỏa thuận mua cả ba loại vaccine gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và Sinovac từ trước khi các loại vaccine này được phê chuẩn.
Giám đốc Dịch vụ Y tế, Giáo sư Kenneth Mak, lý giải thêm hai loại vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna được Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) Singapore cấp phép sử dụng sớm vì các công ty sản xuất đã cung cấp liên tục các thông tin về vaccine để HSA đánh giá và phê chuẩn trước khi các lô hàng đầu tiên được chuyển tới.
Đối với vaccine của hãng Sinovac, Giáo sư Mak nhấn mạnh việc vận chuyển tới Singapore dựa trên các điều khoản của thoả thuận mua bán, không có sự cưỡng ép nào và Singapore không chịu tác động, ảnh hưởng từ cơ quan nào. Tuy nhiên hãng Sinovac không cung cấp gói thông tin đầy đủ để HSA có thể sớm đánh giá và phê duyệt sử dụng.
Tính đến hết ngày 24/3, Singapore đã tiêm hơn 1,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó gần 800.000 người đã được tiêm mũi thứ nhất và khoảng 310.000 người đã được tiêm mũi thứ hai.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 đối với người cao tuổi và các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch đã cơ bản hoàn tất và Singapore đang mở rộng tiêm chủng cho các đối tượng từ 45-59 tuổi./.