New Zealand quan ngại về "sự bất an chiến lược" ở Thái Bình Dương

Giới phân tích nhận định quan ngại của New Zealand ám chỉ việc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại các quốc đảo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
New Zealand quan ngại về "sự bất an chiến lược" ở Thái Bình Dương ảnh 1 Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters. (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters ngày 1/3 đã bày tỏ quan ngại về "sự bất an chiến lược" ở khu vực Thái Bình Dương.

Giới phân tích nhận định phát biểu này của ông Peters ám chỉ việc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại các quốc đảo ở khu vực này.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, ông Peters cho rằng có quá nhiều thay đổi ở khu vực Thái Bình Dương và trong năm 2018 khu vực này có thể phải đối mặt với một loạt thách thức do các vấn đề xã hội và môi trường, đặc biệt là các nhân tố và lợi ích bên ngoài ngày càng tăng.

Các đảo quốc Thái Bình Dương lâu nay được xem là chịu ảnh hưởng của New Zealand và Australia, song hiện Trung Quốc đã trở thành một đối tác lớn của khu vực này, cung cấp các khoản cho vay thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng.

Ngoại trưởng New Zealand nhận định: "Khu vực Thái Bình Dương đã trở nên một không gian chiến lược ngày càng có nhiều bên tranh giành," các nhà lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương có thêm nhiều lựa chọn và điều này tạo ra "sự bất an chiến lược ở một mức độ nào đó."

Ông Peters cho rằng New Zealand và Australia phải nỗ lực hơn để duy trì ảnh hưởng tại khu vực này. Theo đó, Chính phủ New Zealand sẽ thúc đẩy chính sách đối ngoại tập trung và các đảo quốc trong khu vực, rót thêm tài chính và nguồn lực, cũng như tăng cường sự hiện diện ngoại giao tại đây.

Trong khi đó, Australia, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cần nỗ lực hơn trước "những thực tế mới," đặc biệt là Canberra cũng cần hướng sự chú ý trở lại khu vực Thái Bình Dương và phối hợp các nguồn lực với New Zealand nhằm tái xác lập ảnh hưởng ở khu vực này.

Cũng trong bài phát biểu trên, ông Peters cho biết New Zealand có thể rút khỏi Bản ghi nhớ (MOU) đã ký ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Ông Winston Peters đang tháp tùng Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thăm Australia từ ngày 1-2/3.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới tại Sydney sau cuộc hội đàm với người đồng cấp New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết ông ủng hộ đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Thái Bình Dương miễn là nó mang lại hiệu quả.

Theo giới phân tích, do tăng trưởng kinh tế chậm chạm và thâm hụt ngân sách lớn, ngân sách hỗ trợ kinh tế của Australia có thể giảm xuống mức thấp nhất, mở cửa cho Trung Quốc thâm nhập vào khu vực này.

Hiện, hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực này đang gia tăng đáng kể, với khoảng 1,78 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2006-2016.

Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Australia Concetta Fierrevanti-Wells mới đây chỉ trích Bắc Kinh đang xây dựng những dự án “không đi đến đâu” trên khắp khu vực Thái Bình Dương nhằm gia tăng ảnh hưởng tại đây.

Australia hiện vẫn là nhà tài trợ lớn nhất trong khu vực Thái Bình Dương, với cam kết đầu tư hơn 166,4 triệu đôla Australia (AUD), tương đương 129 triệu USD, trong năm 2018. Đứng thứ 2 là New Zealand, với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 1 tỷ đôla New Zealand (khoảng 724,7 triệu USD) trong giai đoạn 4 năm, kết thúc vào giữa năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục