Ngày 12/11, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand - nước đang giữ cương vị Chủ tịch APEC 2021.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị sẽ thảo luận một loạt lĩnh vực nhằm tìm ra biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19, trong đó có ứng phó với đại dịch COVID-19, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại giữa các nền kinh tế thành viên trong khu vực, cải thiện khả năng tiếp cận vaccine của các nền kinh tế đang phát triển, đầu tư năng lượng tái tạo, duy trì việc mở cửa biên giới đối với thương mại và đầu tư.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng sẽ bàn thảo chương trình nghị sự dài hạn của APEC về chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu, cũng như nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng số.
[Những nội dung chính Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-TBD]
APEC được thành lập năm 1989 với sứ mệnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trải qua 32 năm hình thành và phát triển, đến nay, APEC đã đạt được những thành tựu rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở khu vực, tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng đối với APEC khi là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040, hướng tới “một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”./.