New Delhi trải qua ngày có chất lượng không khí tệ nhất trong năm

Mức PM2,5 trung bình tại New Delhi trong ngày 5/11 là 370 microgram/ m3 không khí, vượt xa giới hạn an toàn do WHO đề ra.
New Delhi chìm trong khói mù. (Ảnh: USA Today)

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ, thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên thế giới, đã hứng chịu ngày có chất lượng không khí độc hại nhất trong năm trong ngày 5/11 với nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp 14 lần so với giới hạn an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.

Cùng với sự lây lan mạnh mẽ của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mức báo động về rủi ro sức khỏe do khói bụi gây ra tại New Delhi đã tăng lên, khiến ngành y tế Ấn Độ phải đưa ra nhiều cảnh báo về sự gia tăng mạnh các bệnh về đường hô hấp.

WHO cho rằng các hạt bụi mịn PM2,5 với đường kính nhỏ hơn 2,5 micron có thể đi xuyên qua phổi và xâm nhập vào máu, gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp, trong dó có bệnh ung thư phổi.

Theo WHO, mức PM2,5 trung bình tại New Delhi trong thời gian trên là 370 microgram/m3 không khí, vượt xa giới hạn an toàn do tổ chức này đề ra (25/mét khối không khí).

[Khói mù bao trùm cả thủ đô New Delhi của Ấn Độ]

Ngoài ra, chỉ số chất lượng không khí tổng thể (AQI) bao gồm các chất gây ô nhiễm ngoài PM2,5 cũng vượt qua mức 460 trên thang chia độ 500, mức tồi tệ nhất kể từ ngày 14/11/2019.  

Tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhi thường trầm trọng hơn trong hai tháng 10 và 11 do việc nông dân đốt rơm rạ ở những bang xung quanh, khói bụi từ các phương tiện giao thông và nhiều ngày không có gió.

Theo chính quyền thành phố này, nếu chất lượng không khí trong khu vực ở mức độ nghiêm trọng kéo dài 2 ngày, nhà chức trách có thể áp dụng các biện pháp như cấm các phương tiện từ bên ngoài đi vào thành phố, tạm dừng các công trình xây dựng và giảm một nửa số ôtô cá nhân lưu thông trên đường phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục