"Nếu Quốc hội chưa thấy yên tâm về Luật thì đừng bỏ phiếu vội vàng"

Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ pháp lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, thế nhưng một số quy định vẫn chưa rõ ràng.
"Nếu Quốc hội chưa thấy yên tâm về Luật thì đừng bỏ phiếu vội vàng" ảnh 1Thống nhất quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TTXVN)

Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu ngăn ngừa và xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển.

Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Luật vẫn chưa rõ ràng, điều này khiến nhiều người lo ngại liệu Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo “ra đời” có khiến công tác quản lý phức tạp hơn?

Để rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Nguyễn Chu Hồi, Khoa Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội về Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được bàn thảo trong ngày 28/5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13.

- Thưa ông, hiện nay đã có khá nhiều luật quy định việc quản lý các tài nguyên biển như Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Du lịch, Luật Dầu khí, Luật Hàng hải… Vậy tới đây, khi Quốc hội thông qua, liệu Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có “dẫm chân” lên các luật khác, gây chồng chéo không?

Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi: Nói về góc độ quản lý Nhà nước, hiện nay nước ta vẫn quản lý biển và hải đảo theo ngành, với các quy định của luật ngành khác nhau như nói trên, dẫn tới nảy sinh những mâu thuẫn trong quản lý, đặc biệt những vấn đề nảy sinh giữa các ngành (thí dụ tranh chấp/xung đột không gian sử dụng của các ngành trong cùng vùng biển). Điều này khiến hiệu quả khai thác, sử dụng biển, hải đảo thấp và chỉ đạt được mục đích ngắn hạn.

Chính vì thế Nghị quyết số 09/2007/NQ-TƯ (khóa X) về ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã yêu cầu khắc phục sớm tình trạng này, để biển phải được quản lý theo phương thức tổng hợp và để Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển, hải đảo.

Việc Chính phủ cho ra đời Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2008) là để thực hiện tinh thần Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và hướng đến làm sao quản lý thống nhất Nhà nước về biển và hải đảo dựa trên phương thức quản lý tổng hợp này.

Bên cạnh thể chế hóa quản lý, thì việc soạn Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng nhằm tạo ra công cụ để phục vụ việc quản lý tổng hợp, tiến tới thống nhất quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở nước ta. Làm đúng như thế, Luật này sẽ không “dẫm chân” lên các luật ngành và cũng không gây mâu thuẫn với các luật khác.

- Vậy Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo “ra đời” sẽ quản lý tổng hợp vấn đề tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cụ thể như thế nào, thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi: Về mặt nguyên tắc, quản lý tổng hợp và thống nhất mà luật này đề cập không thay thế các luật ngành và hoạt động phát triển kinh tế-xã hội ngành, nhưng nó phải kết nối và điều chỉnh được hành vi của các ngành trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường thuộc phạm vi phân cấp cho ngành.

Đặc biệt, luật phải chú trọng vào việc giải quyết những vấn đề nảy sinh giữa các ngành, các cấp, các vùng, giữa người dân và nhà nước, thậm chí giữa nước ta với các quốc gia láng giềng trong việc khai thác, sử dụng biển và hải đảo thông qua nền tảng là sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Luật này phải lấy đối tượng điều chỉnh là quản lý hoạt động khai thác, sử dụng biển và hải đảo (tài nguyên và môi trường) trong đó có các ngành. Theo tinh thần này, các ngành cứ khai thác trong lĩnh vực của mình, nhưng nếu làm ảnh hưởng đến tài nguyên của đất nước, thậm chí gây thảm họa môi trường, thì với luật này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thay mặt Chính phủ “tuýt còi” và đề nghị Chính phủ yêu cầu đơn vị đó điều chỉnh lại, chứ không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành.

Bản chất của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là như vậy. Nếu luật này không đáp ứng được những yêu cầu trên thì có “ra đời” cũng không có tác dụng. Thậm chí sẽ tiếp tục làm phân mảnh, dẫm đạp lên nhau, điều này sẽ khiến công tác quản lý biển, hải đảo phức tạp hơn, tốn kém công của nhà nước hơn.

"Nếu Quốc hội chưa thấy yên tâm về Luật thì đừng bỏ phiếu vội vàng" ảnh 2Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi trao đổi với báo chí. (Ảnh: Ông Hồi cung cấp)

- Trong dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có đưa ra chiến lược khai thác tài nguyên biển đảo nhưng lại chưa có chính sách, quy hoạch, điều này liệu có dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên hay gây ô nhiễm môi trường?

Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi: Thực ra khi soạn dự thảo luật này, tôi biết nhóm soản thảo cũng muốn có phương thức quản lý tổng hợp, thế nên mới cố đưa ra chiến lược, chính sách theo hướng này. Tôi cho rằng đối với một luật thì không quá quan trọng phải đưa cái đó vào, kiểu như “luật hóa các đầu việc của một ngành.” Ngay như Công ước luật biển quốc tế họ cũng có bắt quốc gia nào làm như vậy, mà nó chỉ tập trung đưa ra các điều khoản, quy định cụ thể để điều chỉnh từng hành vi một.

Dự thảo này cũng muốn nói đến quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo, nhưng tôi đọc cứ cảm thấy nó phân mảnh, tạo ra sự rời rạc, chưa nhất quán và đồng bộ xuyên suốt văn bản. Tôi cho rằng luật này còn thiếu, khi anh muốn đưa phương thức quản lý tổng hợp vào để giúp Chính phủ thống nhất quản lý và điều chỉnh hành vi khai thác, sử dụng biển, đảo của các ngành thì phải có công cụ tương ứng. Và, những phần nào chưa rõ trong dự thảo cần phải tập trung điều chỉnh để hướng tới yêu cầu nói trên, không nôn nóng tiến độ.

Ví dụ điều 60 của Luật Bảo hiểm chưa ban hành đã phải sửa (hoặc sẽ phải sửa) vì không thì người lao động sẽ ‘biểu tình’. Tôi cho rằng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng nên cân nhắc, tránh cách làm luật chạy theo tiến độ kế hoạch ‘bắt buộc,’ hay chạy theo thành tích, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng, để thực sự làm ra cái luật có tác động xã hội, chứ không chỉ cho riêng ngành tài nguyên môi trường, nhất là đối với biển, đảo trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Nếu đây là vấn đề khó thì cần thêm thời gian và nếu Quốc hội cảm thấy chưa “an tâm” thì đừng nên bỏ phiếu vội vàng, mà tiếp tục yêu cầu suy nghĩ, xin ý kiến, chứ không lại ‘gây tâm lý xấu’ với người thi hành luật sau này thì rất nguy hiểm.

- Về vấn đề bảo vệ môi trường biển và hải đảo là nhiệm vụ rất quan trọng, theo ông, nội dung này trong Dự thảo Luật cần đưa ra những tiêu chí cụ thể, cũng như xác định cơ quan chủ trì thực hiện như thế nào?

Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi: Trong dự thảo luật cũng đã có nói đến cơ quan thực hiện, tuy nhiên nhiều người góp ý rằng đọc luật này thấy dường như luật dành riêng cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong khi, biển có đặc thù gắn với địa phương, gắn với các hoạt động trên biển nên việc phân cấp, giao cụ thể cho từng địa phương làm như thế nào theo tôi là rất cần thiết.

Vai trò cụ thể của người dân cũng còn mờ và chung chung. Không thể quản lý biển chỉ ở Trung ương và chỉ “ngồi ở Hà Nội” mà quản lý được. Các vấn đề biển mang tính “xuyên ranh giới và xuyên biên giới” (transboundary) cho nên quản lý và bảo vệ biển nói chung và tài nguyên, môi trường biển nói riêng luôn phải chú ý và tôn trọng nguyên tắc phối hợp đa ngành, liên quốc gia, liên vùng, liên địa phương,…

Điểm thứ 2 là sự gắn kết với các doanh nghiệp. Bởi vì ra biển, người lao động trên biển và ngành “phân tán,” khó quản lý nên phải xác định rõ vai trò của các doanh nghiệp và ai quản lý họ, quyền và nghĩa vụ của họ trong khai thác, sử dụng biển, đảo và bảo vệ môi trường thế nào? Nếu không làm rõ trong luật thì khi ban hành luật này doanh nghiệp họ vẫn “rung đùi” đứng ngoài cuộc và sự nghiệp bảo vệ biển lại chỉ theo cách chia động từ ở một ngôi và một mình Nhà nước làm.

Chính vì thế, sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị là rất quan trọng, trong khi với tình hình biển đảo hiện nay thì về thể chế quản lý của chúng ta chưa đột phá được và vẫn còn ở “đẳng cấp” thấp. Thế nên, theo tôi khi xác định nhiệm vụ, đưa ra chế tài hoặc điều khoản thi hành thì chỉ cần nói giao cho cơ quan có thẩm quyền do Chính phủ quy định, và Chính phủ giao chịu trách nhiệm quản lý tổng hợp và thống nhất về biển đảo sẽ chặt chẽ hơn../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục