'Nếu phát hiện sai phạm, sẽ thu hồi lại nhà ở xã hội đã bán'

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết các quy định liên quan đến mua bán nhà ở xã hội đã minh bạch, công khai, nếu phát hiện sai phạm sẽ thu hồi lại nhà ở xã hội đã bán.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/6 về việc thời gian gần đây một số đối tượng lợi dụng tình trạng nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm, đã đứng ra mua bán trục lợi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết các quy định liên quan đến mua bán nhà ở xã hội đã minh bạch, công khai nhằm đưa sản phẩm đến đúng đối tượng thụ hưởng, tránh trục lợi chính sách. Ông khẳng định, nếu phát hiện sai phạm sẽ thu hồi lại nhà ở xã hội đã bán.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chính sách nhà ở xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, Chính phủ đầu tư và tạo điều kiện phát triển. Trong số các chính sách liên quan đến nhà ở xã hội có nhiều quy định ưu đãi, tạo điều kiện để người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở tốt hơn.

Việc ban hành các chính sách ưu đãi là quy định pháp lý để xác định đối tượng thụ hưởng với tiêu chí công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh trục lợi các chính sách này.

[Làm cách nào để giải bài toán ‘ách tắc’ về phát triển nhà ở xã hội]

Luật Nhà ở năm 2014 (Điều 49 và Điều 50) cũng đã quy định chi tiết đối tượng, điều kiện để được hưởng ưu đãi từ chính sách nhà ở xã hội.

Tùy theo từng đối tượng cụ thể, pháp luật nhà ở đã quy định cụ thể việc xác nhận về đối tượng, điều kiện thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, điều kiện thu nhập cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã, cơ quan quản lý nhà ở công vụ, cơ sở đào tạo và các cơ quan có liên quan. Chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách người dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng.

Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời, Sở Xây dựng có trách nhiệm cập nhật công khai danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để các cơ quan có liên quan có thể kiểm tra, giám sát về đối tượng, điều kiện cũng như đảm bảo mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ nhà ở xã hội 1 lần.

Như vậy, quy định liên quan đến mua bán nhà ở xã hội đã rất minh bạch, công khai, hạn chế việc trục lợi chính sách. Tuy nhiên, phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh hiện tượng một số đối tượng trung gian, cò mồi lợi dụng chính sách nhà ở xã hội để mua bán trục lợi thì đây là hành vi thực hiện chưa đúng các quy định pháp luật về nhà ở xã hội.

“Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, đảm bảo việc mua - bán nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Đăk Lăk… yêu cầu Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra, làm rõ thông tin tiêu cực mà các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và gửi báo cáo kết quả giải quyết về Bộ Xây dựng,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Xây dụng cũng cho biết thêm, chính quyền địa phương, cần quy định cụ thể và công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội; tổ chức quản lý và theo dõi chặt chẽ việc mua bán; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến việc mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn.

Về phía doanh nghiệp cũng cần thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc mua bán nhà ở xã hội, bán đúng giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp nắm bắt thông tin về việc mua bán nhà ở xã hội của dự án mình không đúng, chủ đầu tư cần có thông báo chính thức tại dự án, trang thông tin của đơn vị hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu phát hiện nhà ở xã hội bán trước quy định (5 năm) thì cũng phải thu hồi.

Liên quan đến câu hỏi tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đi các địa phương để đôn đốc cũng như lắng nghe các dự án gặp khó khăn, đồng thời cũng là rà soát các dự án khó khăn như tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…

Bộ cũng đã xác định được những khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực thi các dự án.

Thứ nhất về thể chế, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nhị định, các bộ, ngành cũng ban hành nhiều thông tư để giải quyết những vướng mắc.

Bộ Tài chính đã có giải pháp liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ theo Nghị định số 10 của Chính phủ và Nghị định 08.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất tháo gỡ những quy định pháp luật liên quan về đất đai. Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ liên quan đến nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn phục vụ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bộ Xây dựng có nhiều đề xuất tháo gỡ, nhất là Nghị định sửa đổi các nghị định trong lĩnh vực xây dựng, tháo gỡ liên quan các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thời gian qua, nhất là nhóm chính sách về nhà ở xã hội đã được đề xuất và sửa đổi theo Luật Nhà ở.

“Có thể nói các vướng mắc về mặt thể chế đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, giải quyết,” ông Sinh cho biết.

Về mặt thực thi, trong thời gian vừa qua, nổi lên những dự án còn nhiều khó khăn ở những địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số địa phương phía nam cũng đang còn một số vướng mắc liên quan trình tự đầu tư. Các dự án này thời gian qua diễn ra trong thời gian dài, các giai đoạn khác nhau.

Do đó, hiện nay Bộ đang phối hợp cùng các địa phương tiếp tục đôn đốc, rà soát và tháo gỡ. Những vấn đề gì liên quan bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó sẽ trả lời kịp thời cùng các địa phương, làm sao trong thời gian tới các bộ, ngành sẽ cùng các địa phương tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy nguồn cung.

Cũng theo ông Sinh, một vấn đề quan trọng nữa là thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đúng đề án Thủ tướng đã phê duyệt, để tạo nguồn cung về nhà ở, góp phần tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục