"Nếu không phân cấp rạch ròi việc thu phí sẽ dẫn đến cơ chế xin-cho"

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong dự thảo Luật Phí và lệ phí lần này, vấn đề phí và lệ phí rất cụ thể nhưng việc phân cấp cho chính quyền địa phương lại rất chung chung.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm đang trả lời báo chí. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí đã nảy sinh rất nhiều bất cập như: phí chồng phí; thu phí trái thẩm quyền; những khoản phí vô lý gây bức xúc trong dư luận, hoặc một số khoản lệ phí cần phải chuyển sang cơ chế giá... đây là những yêu cầu được đặt ra trong việc xây dựng Luật Phí và lệ phí.

Bên lề phiên thảo luận ở tổ sáng nay (29/5), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có trao đổi với VietnamPlus xung quanh vấn đề này.

- Thưa bà, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong dự thảo Luật Phí và lệ phí lần này là việc phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện việc thu phí và lệ phí. Vậy bà có quan điểm như thế nào về nội dung trên?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Phân cấp là một nguyên tắc mà hiện nay Quốc hội khi làm luật luôn luôn đặt ra, nhưng khi đi vào thực tiễn và chi tiết trong từng luật thì chúng ta thấy rằng việc phân cấp quả là khó khăn, vì vậy những phân cấp cụ thể đòi hỏi có trong luật thì chúng ta vẫn chưa thấy.

Cụ thể đối với dự thảo Luật phí và lệ phí lần này, rõ ràng vấn đề phí và lệ phí rất cụ thể nhưng việc phân cấp cho chính quyền địa phương lại rất chung chung, vậy thì làm sao chính quyền địa phương làm được.

Có thể thấy, việc phân cấp phân quyền chỉ trên lý thuyết và sẽ không đi vào thực tiễn, thậm chí nếu không minh bạch bằng pháp luật sẽ dẫn tới chuyện việc gì khó khăn thì sẽ rất khó có sự đồng thuận. Từ đó rất dễ nảy sinh câu chuyện không muốn làm sẽ phân cấp hoặc chuyện gì quá khó làm sẽ phân cấp và việc phân cấp đó sẽ không được thảo luận dân chủ giữa cấp này với cấp kia, nó như một sự ban phát hay sự xin cho.

Cho nên tôi muốn trong Luật Phí và lệ phí phải có một danh mục là loại phí nào do Chính phủ quy định, loại nào Chính phủ phân cấp cho bộ ngành và bộ ngành đó được quy định những loại nào, còn loại nào do chính quyền địa phương quy định phải ghi trong luật này thì sẽ dễ thực hiện hơn.

- Tuy nhiên, có đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu Chính phủ không quy định khung mà phân cấp hết cho địa phương sẽ dẫn tới việc loạn thu phí và việc này đã xảy ra rồi?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Theo tôi nếu chục năm trước đây thì điều đó là đúng, còn bây giờ là không thực tiễn. Bởi lẽ người dân không bao giờ cho phép chính quyền địa phương làm chuyện đó, cho nên cần có khung pháp lý mở, đủ cho chính quyền địa phương phát huy tính chủ động của mình.

Còn việc chính quyền địa phương làm gì để cho nhân dân địa phương ở đó đồng tình thì đó là việc của chính quyền địa phương và nó còn còn có một khung pháp lý khác, nếu như Nghị quyết Hội đồng nhân dân mà trái với lợi ích của nhân dân địa phương thì Quốc hội có quyền phủ quyết (điều này đã ghi trong luật), ở đây không chỉ trái với luật mà còn trái với lợi ích của nhân dân.

Hiện nay, vai trò của nhân dân rất quan trọng trong việc tham gia vào các chính sách quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Nhưng hàng ngày chúng ta vẫn nhìn thấy ở đâu đó, kể các các thành phố lớn vẫn tồn tại tình trạng loạn thu các loại phí như: phí dịch vụ xe, phí vệ sinh... theo bà phải làm sao để khắc phục tình trạng trên?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Mỗi chỗ một giá nó có cái tiến bộ của việc đó và nó có lợi ích của mỗi chỗ một giá. Tôi lấy ví dụ như hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh không thể đem so sánh quận 1 với các quận, huyện khác được bởi lẽ mặt bằng ở quận 1 cao hơn, lợi thế sinh lợi cao hơn thì đương nhiên giá dịch vụ cao hơn các quận, huyện khác. Cái đó là đương nhiên, thế cho nên tôi nghĩ rằng cái cào bằng chính là tiêu cực để tạo sự phát triển và tạo ra một dịch vụ tốt hơn.

Đã là giá dịch vụ thậm chí là phí dịch vụ cũng vậy, hiện nay chúng ta tạo ra một mặt bằng cân bằng, nhưng đã là phí một đồng là một đồng, một ngàn là một ngàn cho nên tôi phục vụ anh tốt hơn tôi chỉ được một ngàn và phục vụ tệ hơn cũng thu một ngàn. Trong khi đó, anh hưởng được một dịch vụ tốt hơn cũng chỉ mất một ngàn, thái độ tệ hơn cũng bị thu một ngàn, việc đó nó sẽ tạo ra mặt bằng không tích cực. Do vậy không phải cứ cào bằng là tích cực đâu, mà phải theo tình hình cụ thể.

- Một số ý kiến cho rằng, phí cho các cấp học phổ thông nên giữ nguyên, không chuyển sang cơ chế giá, vậy bà có đánh giá thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Tôi nghĩ, đối với hệ học phổ thông thì phải là ngân sách nhà nước lo, còn đối với các loại học khác như Đại học và Trung cấp thì theo cơ chế giá, có điều kiện thì đi học, phải phân biệt một cách rạch ròi.

Bởi lẽ, giáo dục phổ thông là giáo dục phổ cập nên ngân sách nhà nước lo, ngân sách nhà nước phải thu từ chỗ khác để bù cho chỗ này để lo cho giáo dục phổ thông.

- Nhưng theo như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu phí mà thu không đủ với chi phí bỏ ra sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, vậy bà nghĩ sao?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Mình thu học phí không phải là để trang trải đủ kinh phí giáo dục cho bậc phổ thông, mà như tôi nói ngân sách nhà nước phải lo, nhưng không thể nào đảm bảo bù hết được.

Hiện nay chúng ta cào bằng giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp cho nên tôi muốn đặt vấn đề ở đây là giáo dục phổ thông phải do Nhà nước lo, Nhà nước lo thì trong đó có cả phí, có thể mình thu học phí trong một chừng mực nhất định để bù cho khoản đó, còn nếu nói trang trải đầy đủ thì không thể làm được và không có quyền nói rằng do tôi thu phi thấp nên chất lượng giáo dục thấp ở cả ba cấp học phổ thông.

Ở đây chính sách xã hội là người học sinh, sinh viên học giỏi, có tiềm năng sẽ trở thành người có tài cho đất nước thì mình có cơ chế riêng, đó là chính sách xã hội riêng, còn đã vào đại học phải tính đúng, tính đủ giá. Theo tôi, với giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp cần tính lại mức học phí.

- Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục