"Nếu không liên kết, 10 triệu hộ nông dân mãi là 10 triệu hộ yếu thế"

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chừng nào mà các hộ sản xuất nông nghiệp không liên kết với nhau, 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế.
"Nếu không liên kết, 10 triệu hộ nông dân mãi là 10 triệu hộ yếu thế" ảnh 1Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 10/8, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự và trao đổi với Hội nghị về chuyên đề "Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - Khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân."

Nêu bật những thành tựu rất quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam trong hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Thiện Nhân đồng thời đã chỉ rõ bốn bất cập vẫn tồn tại kéo dài, là hiện tượng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra; thiếu vốn là hiện tượng thường xuyên với hầu hết các hộ nông dân; năng suất lao động hay thu nhập bình quân của một nông dân chưa bằng 1/3 của người lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ; xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và số lượng, bị động trong tiêu thụ.

Nhằm tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phân tích nguyên nhân của những bất cập kéo dài nói trên, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh chừng nào mà các hộ sản xuất nông nghiệp không liên kết với nhau, 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế và các yêu cầu rất hợp lý về sản xuất nông nghiệp, các chính sách về tín dụng, đào tạo, liên kết với các nhà khoa học sẽ rất khó thực thi, những mâu thuẫn nói trên tiếp tục tồn tại.

Thực tế, các hộ nông dân Việt Nam chỉ có thể làm được chức năng là tổ chức sản xuất hiệu quả cao, song không thể làm được hai chức năng là nghiên cứu thị trường, quy hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Giải pháp cơ bản cho các mâu thuẫn này chính là thành lập các hợp tác xã kiểu mới, theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và các hợp tác xã kiểu mới do nông dân sáng lập đã ra đời trước năm 2012. Việt Nam đang có cơ hội chuyển giai đoạn phát triển của nền nông nghiệp, ngay khi hình thành Cộng đồng ASEAN và hội nhập kinh tế quốc tế với quy mô chưa từng có, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với Cộng đồng châu Âu và với các nước khác.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thực tế thành lập và vận hành các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 ở nhiều địa phương đã chứng minh các hợp tác xã này tuy chỉ có vài chục xã viên song đã thực sự giúp các hộ xã viên sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn hẳn, đặc biệt là quy hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải là các hợp tác xã; chuyển từ sản xuất hộ cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua hợp tác xã. Chủ thể tiếp nhận các chính sách của nhà nước về quản lý sử dụng đất, về vốn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện liên kết nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học phải là hợp tác xã. Chủ thể để cơ khí hóa sản xuất, thủy lợi hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả cao phải là hợp tác xã và các doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị sớm tổ chức sơ kết ba năm thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 9 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể," làm cơ sở để các địa phương đưa nội dung chuyển đổi, thành lập và phát huy các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 vào Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ nhiệm kỳ tới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới là một quá trình tự nguyện của các hộ nông dân, song sự vận động, hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và chính quyền các cấp là rất quan trọng. Cần có chương trình hiệp thương và phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp trong xây dựng chỉ tiêu vận động thành lập các hợp tác xã ở mỗi xã, huyện để việc vận động đạt tiến độ nhanh và kết quả cao nhất. Với Luật Hợp tác xã năm 2012 và các kết quả, tấm gương hợp tác xã kiểu mới ở nhiều địa phương, nếu đẩy mạnh việc hình thành và triển khai các hợp tác xã kiểu mới, đây là yếu tố nền tảng quan trọng nhất, là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân Việt Nam.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Hội đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm đến nay, triển khai một số công việc trọng tâm từ nay đến cuối năm. Ban Chấp hành cho ý kiến về tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 11; kế hoạch tổ chức Đại hội Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và một số chủ trương lớn chuẩn bị báo cáo chính trị Đại hội Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2017-2022; kế hoạch đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã.

Hội nghị xác định trong những tháng cuối năm, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “ Phụ nữ Việt Nam chủ động giúp nhau xây dựng gia đình hạnh phúc 5 không, 3 sạch, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh." Hội đẩy mạnh các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp và Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc, nhất là chỉ tiêu giúp ít nhất 400.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo…

Các cấp Hội chủ động chuẩn bị tổ chức Đại hội Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tiếp tục nắm bắt tình hình phụ nữ và góp ý xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày Phụ nữ Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục