Dịch COVID-19 đã “càn quét” tài chính của các hãng hàng không, thậm chí có hãng đã phải phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Và, Vietnam Airlines cũng không nằm ngoài nguy cơ này.
Sẽ lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng
Tại buổi Hội thảo hàng không của Vietnam Airlines tổ chức vào chiều ngày 12/6, theo ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đưa ra dự báo hơn một tháng trước toàn ngành hàng không sẽ bị giảm doanh thu 314 tỷ USD. Tuy nhiên, đến ngày 9/6 vừa qua, con số này đã lên tới 419 tỷ USD và giảm 5% doanh thu cả năm. Dự kiến, trong năm nay, các hãng hàng không lỗ 84 tỷ USD. Giữa 2022, ngành hàng không mới quay trở về quy môn như năm 2019 và dự kiến 2021 vẫn lỗ 16 tỷ USD.
Các tổ chức quốc tế cho rằng cần 250 tỷ USD hỗ trợ cho các hãng hàng không. Hiện, ngày 15/5, các hãng hàng không trên thế giới mới hỗ trợ 120 tỷ USD. Đặc biệt, Liên đoàn Kế toán châu Á-Thái Bình Dương (CAPA) nhận định, hết tháng Năm, hầu như các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không có sự hỗ trợ Nhà nước.
“Hầu như không còn hãng nào còn tiền trên tài khoản do dịch COVID-19 đã “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới), trong đó phần khách mua vé trước đây phải hoàn vé rất kinh khủng bởi từ giữa tháng Hai đến tháng Ba, Vietnam Airlines phải hoàn lại 4.000 tỷ đồng, đây là việc mất máu rất đột ngột,” ông Hiền nói.
[Các hãng bay đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn]
Với kết quả sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, ông Hiền tiết lộ, sản lượng cả năm giảm 48% so với 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng/năm, sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cố định hàng tháng 2.100 tỷ đồng/tháng chủ yếu là thuê tàu bay (1.300 tỷ đồng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công.
Với các đơn vị thành viên như Jetstar Pacific, sản lượng tháng Sáu giảm 64% so cùng kỳ, lỗ 1.200 tỷ đồng, doanh thu giảm 64,2%. Hãng hàng không K6 sản lượng giảm 24,9, doanh thu giảm 27,4 và lỗ 14,5 triệu USD.
“Vietnam Airlines lỗ nặng nhưng vẫn trụ được vì trước dịch hãng có tiềm lực tài chính mạnh và cực tốt khi có 4.000 tỷ đồng trong tài khoản trong cuối năm 2019 và đầu 2020,” ông Hiền nhấn mạnh.
Nhà nước “bơm tiền” chính là cứu “đứa con” của mình
Đề cập đến việc hỗ trợ của các hãng hàng không, ông Hiền cho rằng, các nước đã hỗ trợ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay như Pháp, Hà Lan, Singapore… Chính phủ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi hay như Thái Lan thực hiện tái cấu trúc Thai Airways theo Đạo luật phá sản… Bên cạnh đó, Chính phủ các nước bơm vốn, phát hành trái phiếu cho các cổ đông để bơm vốn, tăng tiền cho các hãng bay.
“Với Vietnam Airlines, hãng đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với dịch COVID-19 từ tháng 2/2020 như cắt giảm chi phí, người lao động không hưởng lương, phi công tiếp viên công suất sử dụng chỉ là 5% nhưng bắt buộc phải giảm (giảm được khoảng chi phí 4.300-4.500 tỷ đồng), xin giảm giá, giãn tiến độ thanh toán với các đối tác. Có đối tác giảm hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuê tàu bay năm 2020-2021. Nếu không có bơm vốn của Chính phủ thì tháng 8/2020 hãng sẽ hết tiền,” ông Hiền nhấn mạnh.
Trả lời về việc thị trường nội địa khôi phục đã đông khách, vậy có cần giải cứu, ông Hiền cho rằng, Vietnam Airlines đã khôi phục nhanh thị trường nội địa, trong đó nhiều ngày tháng Năm và Sáu sản lượng cung ứng ra thị trường và khách vượt so với năm trước dù tổng thị trường chưa đạt được như năm trước. Tuy nhiên, doanh thu bình quân vẫn giảm 50%, các hãng hàng không đều đang cạnh tranh về dòng tiền, bức tranh hiệu quả vẫn giữ nguyên tới cuối năm và sẽ kéo dài nếu Nhà nước không có chính sách vĩ mô giải cứu ngành hàng không.
Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.
Hãng cũng kiến nghị phát hàng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC)/Doanh nghiệp Nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
[Vietnam Airlines đương đầu và ''vượt bão'' dịch COVID-19 thế nào?]
“Vietnam Airlines không xin ‘bơm tiền’ Nhà nước mà nếu Chính phủ không giải cứu thì khó có thể vay, và giải cứu thì niềm tin với các nhà đầu tư sẽ cao. Hãng không kỳ vọng xin được từ ngân sách Nhà nước mà vay sẽ trả. Hãng thừa khả năng trả do cân đối tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng từ tàu bay nhưng do dịch COVID-19 nên không bán được cho ai. Do đó, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn,” vị Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines nói.
Thừa nhận các giải pháp hỗ trợ trên sẽ gặp những vướng mắc về pháp lý khi vận dụng theo các quy định của luật pháp hiện hành, ông Hiền kiến nghị cần phải có các quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để xử lý phù hợp với tình huống khẩn cấp.
“Việc Nhà nước hỗ trợ cho Vietnam Airlines chính là hỗ trợ cho ‘đứa con’ của mình do Nhà nước sở hữu nắm giữ 86% vốn tại đơn vị, điều này cũng giống như với các hãng khác sẽ phải xin hỗ trợ từ cổ đông,” ông Hiền đưa ra so sánh./.