Nếu không đạt thỏa thuận Brexit, thảm họa nào đang chờ nước Anh?

Chỉ còn 7 tháng nữa là Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, dự kiến vào ngày 30/3/2019, thế nhưng một nửa các doanh nghiệp Anh không có bất kỳ một kế hoạch hành động nào cho thời kỳ hậu Brexit.
Ngân hàng trung ương Anh tại London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chỉ còn 7 tháng nữa là Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, dự kiến vào ngày 30/3/2019, thế nhưng, một nửa các doanh nghiệp Anh vẫn chưa lập xong kế hoạch hành động cho thời kỳ hậu Brexit.

Phân tích của tờ Le Monde (Pháp) số ra gần đây cho thấy một bức tranh u ám nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận về vấn đề Brexit.

Vận tải hàng không bị ngưng trệ, các xe tải mắc kẹt dài hàng chục cây số tại Dover (Anh) và Calais (Pháp) để chờ thông quan, kệ hàng tại các siêu thị trống rỗng...

Trong những tuần gần đây, một kịch bản thảm họa đã gây ra những cuộc tranh luận căng thẳng tại Anh.

Trong trường hợp không có thỏa thuận giữa London và Brussels, Brexit có hiệu lực ngày 30/3/2019 sẽ là thảm họa. Nó sẽ làm cho quan hệ giữa Vương quốc Anh và EU không có bất kỳ khung pháp lý nào.

Thuốc được sản xuất ở bên này sẽ không được bên kia công nhận, các vật liệu hạt nhân (bao gồm cả tia X quang dùng trong bệnh viện) sẽ bị chặn lại ở biên giới, các quy tắc kiểm dịch thực vật đối ứng sẽ không còn tồn tại...

Đối mặt với rủi ro như vậy, các doanh nghiệp của Anh hầu như chưa có sự chuẩn bị. Một cuộc khảo sát tại 800 công ty Anh vừa được Viện IoD công bố cho thấy 50% công ty trên không có bất cứ một kế hoạch nào cho Brexit. Khoảng 19% đang xem xét, 23% bắt đầu lên phương án đối phó. Chỉ có 8% đã chuyển sang giai đoạn hành động.

Theo Edwin Morgan, chuyên gia của Viện IoD, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn trong tình trạng "mũ ni che tai." 

Trong trường hợp các cuộc đàm phán thất bại hoàn toàn, Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU. Về tư cách thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Anh sẽ trở thành quốc gia thành viên chứ không còn thuộc vùng lãnh thổ tự trị về quan hệ ngoại thương.

Theo những người ủng hộ Brexit, đây không phải là vấn đề lớn vì có nhiều quốc gia khác tương tự. Điều đó chính xác về mặt kỹ thuật, "nhưng WTO không bao trùm mọi lĩnh vực, nhất là trong ngành hàng không," bà Catherine Barnard - giáo sư luật châu Âu của trường Đại học Cambridge - nhận định.

Về mặt lý thuyết, sau khi ra khỏi các thỏa thuận hàng không châu Âu, Anh không thể tiếp tục khai thác các đường bay tại 27 quốc gia thành viên EU và ngược lại.

Tuy nhiên, các nhà đàm phán châu Âu và Anh không tin một kịch bản cực đoan như vậy sẽ trở thành hiện thực.

[Bà May: Không đạt được thỏa thuận với EU "sẽ không phải là tận thế"]

Bà Catherine Barnard cho rằng một thỏa thuận nhanh chóng và có giới hạn sẽ được ký kết vì lợi ích của tất cả các bên, vì mối quan hệ giữa London và EU Brussels sẽ rất tồi tệ nếu các cuộc đàm phán thất bại.

Ngược lại, trong lĩnh vực thương mại, mọi thứ sẽ thay đổi. Hiện tại, việc vận chuyển hàng hóa giữa Pháp và Anh không hề bị kiểm soát. Cảng Dover thậm chí không có chỗ để kiểm tra các xe tải.

Tuy nhiên, khi Anh rời EU, theo các quy định của WTO, các hoạt động thương mại sẽ cần hoàn tất nhiều thủ tục khai báo và kiểm tra hải quan. Chưa kể đến thuế quan, ví dụ 10% đối với xe ôtô và 39% đối với các sản phẩm sữa.

Đồng bảng Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngay cả khi London và Brussels đồng ý loại bỏ áp thuế quan, các thủ tục hành chính kéo dài đối với xuất khẩu sẽ thách thức hoạt động kinh doanh của nhiều ngành sản xuất công nghiệp không dự trữ. JJ Churchill là một minh chứng.

Công ty gia đình vừa và nhỏ này nằm ở Leicestershire (miền Trung nước Anh), gồm 150 nhân viên, chuyên sản xuất cánh quạt cho động cơ máy bay.

Công ty xuất khẩu khoảng 1/4 sản lượng sang EU và nhập khẩu nhiều linh kiện rời từ EU. Theo ông chủ Andrew Churchill, nếu công ty phải tăng lượng dự trữ linh kiện nhập khẩu trong 7 ngày, thời gian đủ để thông quan, cũng như tăng lượng dự trữ thành phẩm xuất khẩu trong 7 ngày, các hợp đồng sẽ không mang lại lợi nhuận.

Khi đối mặt với Brexit, JJ Churchill dự định tăng số lượng hàng dư trữ. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã từ bỏ kế hoạch đó.

Nếu London và Brussels tìm được một thỏa thuận vào phút chót, việc dự trữ coi như ném tiền qua cửa sổ.

Ông Churchill muốn đầu tư vào việc cải thiện năng suất, một việc làm không bao giờ bị lỗ. Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng, ông Churchill chuẩn bị cho các thủ tục hành chính và tìm hiểu rõ hơn về các quy trình hải quan.

Đối với các công ty dược phẩm, một Brexit không có thỏa thuận sẽ đặt ra vấn đề khác. Ngoài việc xuất khẩu chậm chạp, việc thừa nhận lẫn nhau về thuốc sẽ không còn giá trị.

Để giải quyết vấn đề này, AstraZeneca, một công ty dược phẩm lớn của Anh, đã quyết định đầu tư 40 triệu bảng (44,5 triệu euro) để nhân đôi khả năng kiểm tra thuốc của mình. Hoạt động này hiện có thể được thực hiện ở Thụy Điển hoặc ở Anh.

"Đó là một sự lãng phí tiền bạc," giám đốc điều hành Pascal Soriot thừa nhận.

Sự đầu tư này có thể sẽ là thừa nếu một thỏa thuận Brexit được ký kết. AstraZeneca cùng với các đối thủ cạnh tranh - Sanofi của Pháp và Novartis của Thụy Sĩ - đã quyết định tăng dự trữ ở biên giới. AstraZeneca đã chuẩn bị các kho hàng ở một số cảng, trong đó có Antwerp tại Bỉ, để chứa lượng hàng đủ cho 3-4 tháng.

Tuy vậy, việc dự trữ này không thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác, như ngành công nghiệp thực phẩm tươi sống.

Theo bà Catherine Barnard, không có nơi để lưu trữ ngay cả đối với các sản phẩm đông lạnh, vì các kho chuyên dụng hiện đang đầy 90%.

Các công ty Anh có thể hy vọng dựa vào lời hứa của chính phủ sẽ đưa ra một lộ trình phù hợp với từng ngành, trong trường hợp không đạt được một thỏa thuận cho Brexit. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một lộ trình nào được công bố.

"Tôi nghĩ rằng chính phủ Anh chưa sẵn sàng cho một Brexit không thỏa thuận," ông David Henig, thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế chính trị quốc tế châu Âu, nhấn mạnh. Nếu như ngay cả chính quyền cũng hành động chậm trễ, khó có thể mong đợi nhiều hơn ở giới doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục