Nếu Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, EU cam kết sẽ làm theo

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này sẽ ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.
Nếu Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, EU cam kết sẽ làm theo ảnh 1Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini. (Nguồn: AP)

Ngày 9/5, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định EU sẽ cam kết thực thi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), miễn là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định Tehran tuân thủ thỏa thuận này.

Phát biểu với báo giới, bà Mogherini nêu rõ: "Chúng tôi vẫn hoàn toàn cam kết thực hiện đầy đủ JCPOA, thỏa thuận hạt nhân.... Cho đến nay, chúng tôi đã chứng kiến Iran hoàn toàn tuân thủ mọi cam kết liên quan tới hạt nhân theo thỏa thuận này. IAEA sẽ tiếp tục giám sát việc thực thi những cam kết liên quan tới hạt nhân này."

[Nga, Iran hối thúc các nước châu Âu hoàn tất nghĩa vụ theo JCPOA]

Bà Mogherini đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 8/5 tuyên bố nước này sẽ ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.

Nhà lãnh đạo Iran cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân.

Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân.

Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực.

Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận.

Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục