Trong di sản văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số không thể thiếu một thành tố văn hóa quan trọng, dễ nhận biết, đó là bộ trang phục truyền thống.
Trang phục truyền thống là cốt cách, linh hồn của từng dân tộc, là nét đặc trưng riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống của các dân tộc không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, là thông điệp của quá khứ để lại cho hiện tại và mai sau.
Bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Lự định cư tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu mang vẻ đẹp rất riêng, độc đáo từ hình dáng đến các đường nét hoa văn trang trí không thể pha lẫn với trang phục của bất kỳ dân tộc nào khác.
Người Lự là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Việt Nam; sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ (Lai Châu). Đây là một trong các dân tộc có số dân dưới 10.000 người ở Việt Nam.
Từ xa xưa, người Lự đã sống định cư ven các con sông suối, các thung lũng đất đai tương đối bằng phẳng, màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp. Từ rất sớm, họ đã biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Bởi vậy, trang phục truyền thống của các thành viên trong gia đình đều được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Lự.
Cầu kỳ và độc đáo nhất trong trang phục của đồng bào dân tộc Lự phải kể đến trang phục phụ nữ Lự, gồm có áo, váy, thắt lưng, khăn đội đầu và các phụ kiện trang sức đi kèm.
[Gìn giữ nghệ thuật thêu hoa văn ở trang phục truyền thống người Mông]
Áo may bằng vải chàm đen, áo tứ thân, ghép liên kết với nhau từ 6 miếng vải cắt theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có vạt xèo rộng so với eo. Hoa văn dệt kết hợp với hoa văn ghép vải. Cổ áo liền với nẹp ngực gồm 5 miếng vải may cầu kỳ với các màu khác nhau tạo thành.
Miếng vải ở giữa được đáp những quả hình trám màu xanh, đỏ nối tiếp nhau. Tay áo dài được may thon dần về phía cổ tay viền một vòng vải hoa nhỏ, sát nách có thêu hoa văn chạy vòng quanh ống tay. Trên thân áo bên trái thêu một đường chỉ nhỏ hình dóng trúc, chạy từ cổ thẳng xuống vạt áo bằng chỉ các màu.
Vòng quanh eo từ phía trước ra phía sau là hoa văn ghép vải, đồng bào gọi đó là “con suối uốn lượn.” Dưới hoa văn ghép vải là những hình tam giác thêu bằng chỉ các màu. Hai bên vạt áo được đính hai dây vải hoa, dải dây bên sườn phải có 5 tua bằng sợi len các màu có xâu những hạt cườm. Khi mặc, vạt áo được vắt chéo thân bên trái sang phía sườn phải và buộc hai dây vải với nhau.
Hàng ngày, phụ nữ Lự mặc loại váy ống, được may bằng vải sợi bông nhuộm chàm. Váy được trang trí theo từng mảng, mảng trên cùng dệt các đường sọc ngang nhỏ màu trắng; mảng giữa là dải hoa văn dệt hình quả trám lồng vào nhau, hình sóng nước, hình hoa; mảng chân váy chủ yếu là vải chàm đen trên đáp các dải vải hoa hoặc vải khác màu hình tam giác, gấu váy được viền vải trắng.
Thắt lưng cũng là một vật dụng không thể thiếu khi mặc váy Lự, vừa có tác dụng giữ váy vừa là vật trang trí, ôm chặt, làm nổi bật vòng eo thon thả của người phụ nữ. Thắt lưng của người phụ nữ Lự dài khoảng 1 sải tay, là bằng vải chàm đen hoặc vải tơ tằm nhuộm màu nâu hoặc đỏ thẫm.
Ngày thường, phụ nữ Lự mặc váy chàm thêu móc đơn giản để thuận tiện cho công việc. Vào dịp lễ hội, tết, họ mặc váy hai, ba lớp với đường nét hoa văn trang trí tỉ mỉ, khéo léo. Hiện nay, loại váy này vẫn được chị em ưa thích và sử dụng phổ biến.
Khăn đội đầu cũng là vật không thể thiếu trong trang phục của người phụ nữ Lự. Khăn được làm bằng vải thô nhuộm đen, hai đầu khăn trang trí bởi các đường chỉ nhỏ 2 màu vàng, trắng khác nhau, có tua dài.
Phụ nữ Lự thường cuốn nghiêng khăn về phía trái để lộ mặt trước với những đường viền hoa văn đẹp đẽ. Khăn đội đầu cùng với phụ kiện trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai được làm từ bạc, nhôm hoặc đồng càng làm tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng, yêu kiều của các cô gái dân tộc Lự.
Theo Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy chủ biên mô tả: Loại váy ống của phụ nữ Lự được may bằng vải sợi bông nhuộm chàm. Trang trí váy chia thành từng mảng. Mảng trên cùng chiếm 1/3 chiều dài váy, được dệt các đường sọc ngang nhỏ, màu trắng; mảng giữa là dải hoa văn dệt hình quả trám lồng vào nhau, hình sóng nước, hình hoa; mảng chân váy, chiếm gần một nửa chiều dài, chủ yếu là vải chàm đen trên đáp các dải vải hoa dọc hoặc khâu đáp những miếng vải khác màu hình tam giác. Gấu váy được viền vải trắng. Váy chủ yếu do phụ nữ làm và sử dụng. Loại may bằng vải tơ tằm được dành để mặc trong cưới xin hoặc lễ hội.
Khác với trang phục của phụ nữ, trang phục của nam giới người dân tộc Lự đơn giản hơn, với quần áo được nhuộm chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt áo.
Nam giới người Lự thường đội khăn đen gấp nếp cuốn nhiều vòng. Trong sinh hoạt, họ thường đem theo bên mình chiếc túi đeo do phụ nữ Lự làm ra. Chiếc túi được làm với nhiều kích cỡ khác nhau và trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn với đủ các màu sắc rực rỡ. Đây cũng là một sản phẩm có giá trị về thẩm mỹ.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Lự, mới đây Thứ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 2024/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc Lự tỉnh Lai Châu gắn với phát triển du lịch."
Hội thảo sẽ là dịp để các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, dân tộc học và nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, am hiểu bản sắc văn hóa là người dân tộc Lự…đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Lự, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Lự đến du khách trong và ngoài nước./.