Nét đẹp văn hóa trong Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng

Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn với các nghi thức hành lễ đậm nét văn hóa của cư dân vùng sông nước, thể hiện tinh thần thể thao thượng võ.
Nét đẹp văn hóa trong Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng ảnh 1Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng tỉnh Lạng Sơn thu hút 17 đội tham gia. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 13/2 trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng đã được tổ chức, thu hút 17 đội đua đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh tham gia.

Lễ hội góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, hình ảnh, phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần thể thao thượng võ của hoạt động đua bè mảng và các nghi thức hành lễ liên quan của cư dân vùng sông nước ven sông Kỳ Cùng, tỉnh Lạng Sơn.

Đua bè mảng là một trò chơi, trò diễn trong Lễ hội Phài Lừa (“phài” nghĩa là“chèo”,“lừa”nghĩa là “bè”;“phài lừa” nghĩa là chèo bè, đua bè) thường được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng tư âm lịch tại xã Quốc Việt, huyện Tràng Định (2 năm một lần) và xã Hồng Phong, huyện Bình Gia (3 năm một lần).

Đua bè mảng nói riêng và lễ hội Phài Lừa xuất phát từ câu truyện truyền thuyết liên quan đến tục thờ Thần Rắn và tín ngưỡng thờ Thần Sông của cư dân vùng sông nước Lạng Sơn mang tính nghi lễ nông nghiệp cổ xưa gắn liền với lễ thức cầu mưa, cầu nước, cầu mùa, một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian chứa đựng sắc thái tộc người rất độc đáo, còn giữ được những nét đặc trưng nguyên bản nhất của cư dân bản địa.

Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại nằm trong vùng đất dốc thuộc khu vực miền núi, vì vậy Lạng Sơn có mạng lưới sông ngòi khá phong phú.

Mật độ mạng lưới sông suối dao động từ 0,6 đến 1,2 km/km2. So với mật độ sông suối trung bình của cả nước là 0,6 km/km2 thì mật độ sông suối của Lạng Sơn thuộc loại từ trung bình đến khá dày.

Trên địa bàn tỉnh có 5 sông chính độc lập, đó là sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Lục Nam, sông Tiên Yên-Ba Chẽ (hay Nậm Luổi-Đồng Quy) và sông Nà Lang.

Từ xưa, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn sống ở vùng sông nước đã có tín ngưỡng thờ Thần Rắn gắn với nhiều câu chuyện dân gian huyền bí.

Theo các sắc phong, thư tịch cổ, di tích Đền Kỳ Cùng, Đền Cửa Đông ở thành phố Lạng Sơn; Đình Vằng Khắc ở xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình; Miếu Nà Lình xã Quốc Việt, huyện Tràng Định; Đình Ông, Đình Bà, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia… đều thờ Thần Rắn.

Các sách Hoàng Việt Nhất Thống Địa Chí, Đại Việt Địa Chí, Bắc Thành Địa Dư Chí Lục, Đại Nam Nhất Thống Chí… đều nhắc đến các di tích trên thờ “Thủy Thần” hoặc “Giao Long.”

[Độc đáo lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô]

Theo các truyền thuyết dân gian thì Thần Rắn là vị thần sông nước, và Đền Kỳ Cùng là đền thờ chính, các điểm thờ khác là phụ. Vì vậy, hàng năm vào dịp lễ hội, Thần Rắn ở Đình Ông, Đình Bà, Văn Mịch, xã Hồng Phong, (huyện Bình Gia) Miếu Nà Slình xã Quốc Việt, (huyện Tràng Định), Đình Vằng Khắc (Đền Khác Uyên) xã Vân Mộng, (huyện Lộc Bình)… thường đến thăm Thần Rắn ở Đền Kỳ Cùng.

Vào dịp này, nhân dân vùng ven sông tổ chức lễ hội với các trò chơi, trò diễn trong đó có trò đua bè mảng.

Đây không chỉ là dịp dân làng thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh, thành kính và tưởng nhớ công lao to lớn của các vị Thánh Thần đem lại sự bình yên cho người dân mà còn là dịp thể hiện niềm tin, niềm tự hào mãnh liệt và ước vọng của nhân dân, cầu mong Thánh Thần phù hộ, độ trì cho mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, bình an, sông nước hiền hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò, lợn, gà đầy chuồng, thuyền bè đầy tôm cá.

Để chuẩn bị cho cuộc đua bè mảng, các đội chơi phải chuẩn bị bè, tay chèo và tổ chức thành lập đội đua để tham dự cuộc thi theo thể lệ quy định: Bè mảng (lừa, mảng pè) có kích thước rộng 50-60cm, dài 6- 7m được làm từ 6 cây mai từ 2 năm tuổi trở lên (đặc ruột, cứng và dẻo dai, hơi cong lên phía trên để khi xuống sông không bị nước cản, dễ nổi và đi nhanh hơn khi chèo) sau đó dùng dao bào, cạo lớp vỏ cho nhẵn, mịn rồi được gia cố, ghép lại với nhau bằng cây tre hoặc dây thép.

Tay chèo làm từ gỗ xoan già có độ dài 1,5-1,7m gồm 2 bộ phận: tay cầm- tay nắm dài 1-1,2m, đường kính 7-8cm và mái chèo (pản) rộng 10-12cm, dài 50-60cm, dày 1-2cm (dày ở giữa, 2 bên vát mỏng dần).

Các tay đua là những thanh niên trai tráng từ 18 tuổi trở lên, khỏe mạnh, có tài sông nước, có kinh nghiệm bơi bè.

Thành phần mỗi đội gồm 3 người: 1 người chèo đầu lái bè, 1 người chèo cuối điều chỉnh bè (điều chỉnh cho bè đi ổn định không bị tròng trành, ngoặt, nghiêng, chiếng, điều chỉnh tốc độ nhanh, chậm khi xoay đầu), 1 người ở giữa phối hợp chèo theo nhịp, động tác đã thống nhất trong đội.

Nét đẹp văn hóa trong Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng ảnh 2Các đội đua thực hiện động tác quay bè 3 vòng trước khi về đích. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trước khi tổ chức cuộc thi, Ban tổ chức và các đội tham dự làm lễ trình, báo cáo Thánh Thần, cầu mong Thần phù hộ bình an cho nhân dân.

Khi trọng tài phát cờ lệnh, cuộc thi bắt đầu. Các tay chèo dồn sức chèo nhanh và đều để đưa bè vượt lên phía trước (phải quỳ gối chèo, không được ngồi, đứng hoặc chống tay trên bè), các tay chèo loang loáng mái chèo, giành nhau từng lợi thế, thể hiện tài trí, sức mạnh và nghệ thuật chèo để giành chiến thắng cho đội mình.

Trên mỗi bè, các tay đua đều có nhiệm vụ riêng theo sự phân công của đội trưởng, người ở đầu bè vừa chèo vừa lái, điều khiển bè đi đúng hướng, người ở cuối bè điều chỉnh giữ cho bè thăng bằng, không bị ngoặt, nghiêng, chiếng, vừa giữ nhịp để giúp cho các tay chèo thống nhất động tác, tăng tốc hoặc giữ đều tay chèo trong quá trình di chuyển; thành viên còn lại phối hợp chèo bè nhanh, mạnh và đều đặn theo nhịp hô của đội trưởng.

Trong khi thi, các tay chèo ra sức bổ mạnh mái chèo xuống nước để tạo vận tốc tối đa cho bè mảng khiến cho sông nước đang phẳng lặng, bình yên bỗng dưng nổi sóng… hình ảnh khỏe đẹp tạo hưng phấn cho người xem hò reo, cổ vũ nhiệt tình.

Thông thường mỗi cuộc đua gồm 3 vòng, đến cuối vòng thứ 3, các tay chèo lật bè ba lần (việc lật bè là để liên tưởng về cách vặn mình của Thần Rắn năm xưa lúc đi diệt Thuồng Luồng và cũng là mời Thần Rắn lên cùng vui với dân làng). Khi đã lật đủ ba lần, các tay chèo lao nhanh về đích. Bè nào về đích trước là thắng.

Kết thúc phần thi các đội đua lại tiếp tục làm lễ tạ Thần linh và cùng nhau thụ lộc, vui vẻ, đoàn kết, gắn bó.

Tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực giữ gìn, đưa hoạt động đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng trở thành một sản phẩm du lịch-thể thao độc đáo, là điểm nhấn văn hóa thu hút du khách./.

Các đội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các đội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các đội tham gia đua bè xuất phát. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các đội tham gia đua bè xuất phát. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng tỉnh Lạng Sơn thu hút 17 đội tham gia. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Lễ hội đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng tỉnh Lạng Sơn thu hút 17 đội tham gia. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các tay chèo dồn sức chèo nhanh và đều để đưa bè vượt lên phía trước. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các tay chèo dồn sức chèo nhanh và đều để đưa bè vượt lên phía trước. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các đội đua thực hiện động tác quay bè 3 vòng trước khi về đích. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Các đội đua thực hiện động tác quay bè 3 vòng trước khi về đích. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Bè mảng có kích thước rộng 50-60cm, dài 6-7 m được làm từ 6 cây mai từ 2 năm tuổi trở lên. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Bè mảng có kích thước rộng 50-60cm, dài 6-7 m được làm từ 6 cây mai từ 2 năm tuổi trở lên. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Đội về đích tại vòng đua bè mảng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Đội về đích tại vòng đua bè mảng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục