Hà Nội 36 phố phường là cả một kho tàng sống động lưu giữ những tinh túy của đất kinh kỳ xưa, trong đó phố Hàng Bạc, được biết đến như là nơi đất tổ nghề kim hoàn Hà Thành và là một trong những con phố hội tụ nhiều di tích lịch sử nhất trong phố cổ như đình Dũng Hãn, đình Thượng (đình Thượng Thị), đình Hạ (đình Kim Ngân)... Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử những dấu tích một thời nơi đây vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, điển hình là đình cổ Kim Ngân và nghề kim hoàn truyền thống. Nét đẹp cổ kính Lễ hội nghề kim hoàn lần thứ hai được tổ chức từ ngày 26/3/2013 đến hết ngày 31/3/2013 tại phố Hàng Bạc. Cũng trong dịp này, đình Kim Ngân, tọa tại số 42 phố Hàng Bạc, nơi thờ ông tổ Bách Nghệ, nhận được bằng xếp hạng di tích Quốc gia - Di tích kiến trúc nghệ thuật. [Khai hội nghề kim hoàn truyền thống phố cổ Hà Nộ] Phố Hàng Bạc được hình thành từ thế kỷ thứ 18, nơi tập trung những người thợ kim hoàn giỏi nhất đất Thăng Long với những sản phẩm tinh xảo, nét hoa văn sống động. Điểm nhấn của lễ hội năm nay là đình Kim Ngân, di tích không chỉ là “nhân chứng sống” lâu đời cho lịch sử phát triển làng nghề, mà còn là nét đẹp cổ kính trong lòng phố cổ. Trong lễ hội lần này, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử nghề kim hoàn, nghệ thuật kim hoàn, du khách còn được xem trình diễn các kỹ thuật chế tác kim loại quý do chính các nghệ nhân giỏi nhất của phố nghề Hàng Bạc thực hiện tại đình Kim Ngân.
Các nghệ nhân trình diễn nghề tại đình Kim Ngân. (Ảnh: Tâm Trang/Vietnam+)
Trong khuôn khổ hội nghề kim hoàn, 89 cửa hàng kinh doanh kim hoàn từ đầu phố đến cuối phố được trang hoàng với hàng nghìn chiếc đèn lồng rực rỡ. Không gian của lễ hội được thiết kế ấn tượng với nhiều họa tiết mang đậm nét văn hóa truyền thống như hình ảnh cây nêu, chum vàng, chum bạc, tượng voi… Đặc biệt, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng bộ sưu tập tiền cổ lớn nhất từ trước đến nay do nhiều làng nghề như Định Công, Châu Khê, Đại Bái,… sưu tầm. Các sản phẩm mỹ nghệ vàng bạc, sơn mài Hà Thái – Thường Tín, Tràng Sơn – Thạch Thất… cũng được trưng bày để góp thêm phần sống động cho hình ảnh phố nghề. Trong buổi lễ tổng duyệt đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia tại đình Kim Ngân, ông Phạm Tuấn Long, Trưởng ban tổ chức hội nghề kim hoàn - nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội nhận định, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là việc bảo tồn phố nghề không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, xã hội, kinh tế mà còn góp phần phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt đến bạn bè quốc tế. “Được sự quan tâm của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và chính quyền các cấp, dự kiến trong thời gian tới những hoạt động như thế này sẽ tiếp tục được tổ chức, mở rộng phạm vi với nhiều phố nghề hơn nữa trên địa bàn Hà Nội,” ông Long nhấn mạnh. Trăn trở giữ nghề Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, việc gìn giữ các phố nghề giữa lòng thủ đô luôn là vấn đề trăn trở của các nghệ nhân kim hoàn. Theo nghệ nhân Phan Chí Thành, người hơn 40 năm gắn bó với nghề trên phố Hàng Bạc, nghề gia truyền trên các phố cổ đang ngày càng mai một do nhiều lĩnh vực ngành nghề khác lại có sức ‘hút’ hơn về lợi ích kinh doanh, nên ít người bám nghề. Muốn sống được với nghề, thì phải biết cách đa dạng hóa nghề, kết hợp các hoạt động kinh doanh buôn bán. "Các con tôi lớn lên, đứa muốn làm bác sỹ, đứa mong được đi du học nên không thể tiếp nối nghề này nữa. Mặt khác, nghề này đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, lòng đam mê, sự kiên nhẫn mà không phải ai cũng có thể làm được," ông chia sẻ. Nói về điều này, nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp, chủ cơ sở chuyên dát vàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), cho biết, khó khăn trong gìn giữ nghề là việc truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. Ngoài ra, yếu tố kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh phát triển nghề, đặc biệt là khủng hoảng năm vừa qua dù nhà nước đã có nhiều chủ trương tạo điều kiện về vay vốn, thuế… hỗ trợ các làng nghề truyền thống. “Cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, sản xuất bằng máy móc… cũng là một trong trở ngại lớn đối với sản phẩm thủ công tại nhiều làng nghề. Sự lấn sân của nhiều mặt hàng khác khiến phố nghề ngày càng bị thu hẹp, không còn đất sản xuất tập thể," ông Hiệp nói.
Đa dạng sản phẩm kim hoàn thủ công mỹ nghệ được trưng bày tại hội nghề. (Ảnh: Tâm Trang/Vietnam+)
Tình nguyện đóng góp các sản phẩm làng nghề mình tại lễ hội, nghệ nhân Lê Văn Vòng, làng nghề Kiêu Kỵ mong mỏi thu hút được sự quan tâm của thế hệ trẻ đồng thời ông rất tự hào vì lễ hội cũng là dịp tôn vinh nghề kim hoàn truyền thống. Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vũ Mạnh Hải - Chủ tịch Hội nghệ nhân và thợ giỏi, kiêm vai trò Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội nhấn mạnh, “hội nghệ nhân và thợ giỏi thành phố Hà Nội sẽ luôn chú trọng nâng cao, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi tay nghề và đào tạo thêm các nguồn nhân lực trẻ để tiếp nối nghề truyền thống của dân tộc.”/.
Tâm Trang (Vietnam+)