Nét đẹp của chợ truyền thống Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán

Đến với chợ truyền thống, nhiều người có thể tự do mặc cả, hay gặp những người quen để thăm hỏi, trò chuyện và chia sẻ về cuộc sống.
Chợ hoa cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám trong dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Những phiên chợ đậm chất thôn quê hàng chục năm qua vẫn được gìn giữ giữa lòng Hà Nội đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nét độc đáo trong cuộc sống hiện đại

Cứ mỗi sáng ngày 9 hàng tháng, chị Phương Trinh ở Ba Đình Hà Nội lại cùng cả gia đình ghé qua chợ Bưởi, quận Tây Hồ để mua cây và hoa cảnh.

[Hàng Việt xuất hiện phong phú trên quầy hàng Tết ở siêu thị Australia]

Đây đều là những cây giống mà chỉ vào các ngày phiên chợ chị Trinh mới có thể mua được bởi người bán chỉ đem những giống cây đó vào các ngày phiên.

Việc duy trì đều đặn thói quen này được chị Trinh và gia đình gìn giữ trong suốt 10 năm qua, bởi ngoài việc mua hàng, các con chị còn được trải nghiệm thêm nhiều vốn quý của cuộc sống.

“Mỗi lần đi chợ phiên cả nhà đều mua vài cây giống để về chăm sóc và đó cũng là cách để cả gia đình gắn bó và đoàn kết hơn,” chị Trinh nói.

Lâu nay, nhiều người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn coi việc đi chợ Bưởi như một thú vui dịp cuối tuần, đặc biệt dịp Tết đến Xuân về. Người ta đến chợ để mua bán nhưng cũng có thể chỉ để dạo chơi, ngắm cảnh vì thích một phiên chợ dân dã giữa nhịp sống đô thị hiện đại.

Ôn Tuấn, người sống ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) hàng chục năm nay nhớ lại, ngày xưa mỗi dịp gần đến Tết Nguyên đán ông thường đi chợ phiên để lựa được những cây giống về tự chăm sóc và chơi Tết và đây cũng là thú chơi của nhiều người khi đến các chợ phiên như vậy để mua hàng.

“Mặc dù thời gian, các phiên chợ không còn giữ được quy mô như trước, nhưng trong suy nghĩ của tôi phiên chợ Bưởi vẫn giữ được nét mộc mạc chân quê," ông Tuân chia sẻ.

Đến với chợ truyền thống, nhiều người có thể tự do mặc cả, hay gặp những người quen để thăm hỏi, trò chuyện và chia sẻ về cuộc sống. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo một số người dân, do dịch COVID-19 tái bùng phát dịp giáp Tết khiến họ không thể dạo chơi chợ phiên như mọi năm. Thế nhưng, cũng có người vẫn tranh thủ ra chợ mua hàng hóa sau khi trang bị kỹ khẩu trang theo khuyến cáo của nhà chức trách.

Không để mai một

Mỗi tháng, phiên chợ Bưởi họp 6 lần vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch. Đây cũng là khu chợ cung cấp các giống cây trồng, con giống, vật dụng nông nghiệp… khá đặc thù và riêng biệt, nên bất kể trời mưa hay nắng, cứ đến phiên chợ, người mua và bán đều rất nhộn nhịp.

Chia sẻ về nét đẹp của chợ truyền thống, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, cho hay đây chính là nét độc đáo riêng của người dân Việt Nam nói chung và người dân Bắc Bộ nói riêng.

Hơn nữa, đến với chợ truyền thống, nhiều người có thể tự do mặc cả, hay gặp những người quen để thăm hỏi, trò chuyện và chia sẻ về cuộc sống.

Thực tế hiện nay, nhiều chợ truyền thống đã và đang dần bị thu hẹp, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, vì vậy việc tổ chức các phiên chợ Bưởi cũng cho thấy những nét đẹp riêng có của thủ đô.

Theo chị Hà Mai, một tiểu thương ở ngã 3 chợ Bưởi, trước đây vào ngày phiên chợ Bưởi rất đông người đến trao đổi, mua bán hàng hóa. Đây cũng là nét độc đáo của Hà Nội xưa, nhất là thời bao cấp, vì mỗi phiên chợ là cả con phố này đông nghịt người từ 3-4 giờ sáng.

Song hiện nay, các chợ  truyền thống đang bị cạnh tranh khốc liệt, nhiều nơi, chợ truyền thống được “khoác áo mới,” trở thành các siêu thị hiện đại hay Trung tâm thương mại thì chợ phiên cũng không còn nhiều không gian để duy trì. Do vậy, những người muốn tìm đến các phiên chợ vừa để mua hàng, để gặp gỡ và giao lưu cũng thưa dần.

Với những nét đặc trưng vốn có, chợ truyền thống, đặc biệt là chợ phiên không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá mà còn có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, phải giữ được bản chất chợ truyền thống của người Việt. Chợ bình dân không cần cầu kỳ, đi bằng thang máy mà cái chính là phải thuận lợi để mọi người dễ dàng mua bán.

Vì vậy, trong quá trình quy hoạch, chuyển đổi mô hình mới, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để chợ truyền thống sau khi đi vào hoạt động vừa thuận tiện, được người dân đón nhận tích cực; đồng thời tạo nên những điểm nhấn văn hoá độc đáo trong đời sống hiện đại…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục